Xã hội

“6 dám” để tháo gỡ nút thắt trong xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Bình Phước

Bình Phước

Nhờ sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của tỉnh Bình Phước chỉ trong chưa đầy một tháng, 22 căn nhà tiền chế đã được chính quyền cơ sở bàn giao tận tay, trong niềm vui và hạnh phúc của những người dân thuộc đối tượng thụ hưởng.

Nhờ cách làm sáng tạo, chỉ trong thời gian rất ngắn, 202 căn nhà (170 căn xây mới và 32 căn sửa chữa) đã được huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước bàn giao cho các hộ dân, thiết thực thực hiện phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng phát động. Đây cũng là sự quyết tâm, sáng tạo của đội ngũ cán bộ “6 dám”, đó là dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo và dám hành động.

*Căn nhà mơ ước

Với cách làm sáng tạo của huyện Bù Đăng, gia đình anh Điểu Thanh Tuấn đã có được căn nhà mơ ước của mình. 
Ảnh: Đậu Tất Thành – TTXVN

100% diện tích đất ở và đất sản xuất của người dân đều nằm trung vùng quy hoạch mỏ khoáng sản bô xít, đó được xem là trở ngại rất lớn đối với chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng (Bình Phước). Nhờ sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, chỉ trong chưa đầy một tháng, 22 căn nhà tiền chế với diện tích khoảng 50m2 mỗi căn đã được chính quyền cơ sở bàn giao tận tay, trong niềm vui và hạnh phúc của những người dân thuộc đối tượng thụ hưởng.

Đời sống rất khó khăn, thu nhập của hai vợ chồng anh Điểu Thanh Tuấn, ở thôn Bình Lợi, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng hầu như phụ thuộc vào nghề làm thuê của anh Tuấn. Số tiền anh kiếm được chỉ đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày và nuôi con ăn học, nên việc tích góp đủ tiền làm căn nhà để ở là điều anh Tuấn không dám mơ ước.

Sau nhiều năm phải ở nhờ nhà bố mẹ, cuối tháng 4 vừa qua, gia đình anh được huyện Bù Đăng hỗ trợ làm cho căn nhà tiền chế khang trang, sạch đẹp, rộng gần 50m2, ổn định cuộc sống lâu dài. “Vợ chồng tôi rất vui mừng, xúc động. Cảm ơn chính quyền địa phương đã quan tâm, giúp đỡ tôi và những người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn”, anh Tuấn xúc động chia sẻ.

Căn nhà mới khang trang, không chỉ là có nơi để ở mà còn là động lực to lớn để gia đình anh cố gắng lao động, tạo ra của cải vật chất phục vụ đời sống sinh hoạt của gia đình cũng như cảm ơn chính quyền địa phương đã quan tâm.

Với cách làm sáng tạo của huyện Bù Đăng, gia đình chị Hạ đã có được căn nhà mơ ước của mình. 
Ảnh: Đậu Tất Thành – TTXVN

Cách đó không xa, gia đình chị Điểu Trương Thị Ái Hạ đang tất bật dọn dẹp về nhà mới. Căn nhà chị Hạ cũng như nhiều người đồng bào S’tiêng ở địa phương trước đây không dám mơ ước nay đã thành hiện thực. Với căn nhà này, chị Hạ có thể yên tâm trong cuộc sống sinh hoạt, không phải sống nhờ trong căn nhà cũ chật hẹp của mẹ đẻ. Trước kia, cả nhà ba mẹ con phải sống trong căn nhà cũ, chật hẹp. Mùa nắng thì oi bức, mùa mưa thì nước chảy tràn vào nhà. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện có căn nhà mới, chị mừng lắm. Có nhà mới, chị yên tâm lao động sản xuất.

*Sáng tạo trong phương pháp

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng Lưu Minh Nghĩa cho biết: 100% diện tích xã Nghĩa Bình nằm trong quy hoạch mỏ khoáng sản bô xít nên không thể triển khai xây dựng nhà. Vì vậy, việc lắp ghép nhà tiền chế là chủ trương kịp thời, đúng lúc và rất sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp.

Qua rà soát thực tế, các khu đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều trường hợp cần được xây dựng, sửa chữa nhà. Địa phương cũng gặp khó khăn do việc xây dựng nhà tiền chế chưa từng có tiền lệ, hồ sơ, thủ tục pháp lý nhiều, trong khi đó, yêu cầu phải làm nhanh gọn, kịp thời, đảm bảo chất lượng và đúng đối tượng.

Với cách làm sáng tạo của huyện Bù Đăng, gia đình anh Điểu Lê, ở xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng đã có được căn nhà mơ ước của mình. 
Ảnh: Đậu Tất Thành – TTXVN

Nhiều hộ ở trong các hẻm nhỏ nên việc vận chuyển vật liệu gặp nhiều khó khăn cho nhà thầu thi công. Để đảm bảo tiến độ, chất lượng, chính quyền xã cùng các tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang và người dân chung tay vào cuộc giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ đất đai, biên bản cam kết gửi cấp trên quyết định phân bổ vốn tạo điều kiện cho nhà thầu thi công thuận lợi nhất.

“Do gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nên sau khi căn nhà hoàn thành, người dân vỡ òa niềm vui, phấn khởi. Bởi ở đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số “hai không” không đất sản xuất, không công việc ổn định nên nếu có đi làm thuê cả đời cũng không thể xây được căn nhà như thế này”, ông Lưu Minh Nghĩa cho biết.

Huyện Bù Đăng có 56% diện tích nằm trong vùng quy hoạch bô xít, ngoài ra còn hàng ngàn héc ta vướng đất lâm phần chưa giao về địa phương quản lý. Trong khi đó, các hộ cần được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở phần lớn là người dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời ở khu vực này nên việc xây dựng nhà ở gặp khó khăn, cần được quan tâm tháo gỡ về thủ tục pháp lý, kỹ thuật xây dựng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Nguyễn Văn Lưu thông tin, thủ tục hồ sơ pháp lý là rào cản lớn nhất trong triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Bù Đăng. Qua quá trình nghiên cứu, cân nhắc, phương án xây dựng nhà lắp ghép, nhà tiền chế đã được lãnh đạo huyện tính toán lựa chọn. Ưu điểm của loại nhà này là chi phí thấp, thời gian thi công ngắn, lúc cần thiết tháo dỡ phục vụ quy hoạch thì cũng có thể tái sử dụng được khoảng 70% giá trị ngôi nhà. Tuy nhiên, vì đây là việc làm từ trước tới nay chưa từng có tiền lệ nên chính quyền địa phương phải tính toán rất kỹ.

"Việc này chưa có tiền lệ ở địa phương. Từ hồ sơ thanh quyết toán, đến căn nhà mẫu đều chưa làm. Trên cơ sở tính toán giá thành phù hợp theo tiêu chuẩn của tỉnh đưa ra thì chúng tôi tiến hành làm thử căn mẫu, sau đó nhân rộng mô hình và đã thành công", ông Nguyễn Văn Lưu cho biết.

Ông Nguyễn Văn Lưu chia sẻ, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không phải là trách nhiệm của một phòng, ban chuyên môn hay cá nhân mà cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Trên cơ sở phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng nên với những hộ dân tộc thiểu số khó khăn, vùng sâu, xa, huyện huy động lực lượng địa phương tại chỗ cùng chung tay tháo gỡ công trình nhà tạm, nhà dột nát để giải phóng mặt bằng, bàn giao cho nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đến cuối tháng 4/2025, toàn bộ 170 căn nhà lắp ghép tiền chế mới và 32 căn nhà sửa chữa đã hoàn thành bàn giao cho hộ nghèo, cận nghèo.

Cũng nhờ chương trình này, huyện Bù Đăng có 202 hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số vùng sâu, xa đã được ở trong căn nhà khang trang, sạch đẹp hơn. Bài toán gỡ nút thắt về xóa nhà tạm, nhà dột nát trên đất quy hoạch khoáng sản cũng như trên đất lâm phần đã có lời giải. Đó là sự quyết tâm, sáng tạo của đội ngũ cán bộ “6 dám”, đó là dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo và dám hành động./.

Đậu Tất Thành

Tin liên quan

Xem thêm