“Sông Hồng cuộn sóng” nhằm tái hiện những ngày gian khổ, hy sinh của quân, dân Thủ đô trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, làm nên thắng lợi để có được “Ngày về chiến thắng”.
TTXVN – Hướng tới kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), ngày 4/10, tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức Trưng bày “Sông Hồng cuộn sóng”. Các lão thành cách mạng; các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, Trại giam tù binh Phú Quốc; các cựu học sinh kháng chiến Hà Nội giai đoạn 1947 - 1954; nhân chứng tham gia tiếp quản Thủ đô… đã tham gia buổi khai mạc Trưng bày.
Tại lễ khai mạc, các đại biểu đã dâng hương, tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ tại Đài tưởng niệm; nghe thuyết minh trưng bày; xem hoạt cảnh tái hiện hoạt động chào cờ và hát quốc ca mừng Tết Nguyên đán của tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò; sau đó cùng hòa mình vào giai điệu hào hùng của bài hát Tiến về Hà Nội của nhạc sỹ Văn Cao.
Trưng bày “Sông Hồng cuộn sóng” được thể hiện rõ nét qua 2 nội dung Trường kỳ kháng chiến và Ngày về lịch sử, nhằm tái hiện những ngày gian khổ, hy sinh của quân, dân Thủ đô trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, làm nên thắng lợi để có được “Ngày về chiến thắng”.
Nội dung Trường kỳ kháng chiến đã giúp công chúng thấy được tinh thần quyết tâm chiến đấu của quân và dân Thủ đô “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, biến phố phường thành trận địa, giam chân địch trong lòng thành phố, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Sau đó, khi thực hiện cuộc rút quân “thần kỳ” trong vòng vây khép kín của kẻ thù, trong trái tim mỗi chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô ra đi ngày ấy luôn sục sôi quyết tâm “Ra đi hẹn một ngày về”.
Nội dung Ngày về lịch sử giới thiệu đến công chúng thời khắc lịch sử khi Hiệp định Genève được ký kết. Ngày 8/10, Tiểu đoàn Bình Ca là đơn vị đầu tiên được lệnh rút khỏi Thủ đô hồi đầu toàn quốc kháng chiến đã quay trở về tiếp quản các vị trí trọng yếu từ tay Quân đội Pháp. Lúc 16 giờ ngày 9/10/1954, tốp lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên. Quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng 10/10/1954, lệnh giới nghiêm vừa kết thúc, hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức đón mừng đoàn quân thắng trận trở về. Cả Hà Nội hân hoan trong niềm vui giải phóng. Cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu giăng khắp đường phố.
Các đại biểu và công chúng được trải nghiệm khu vực cổng trưng bày gợi nhớ hình ảnh những con sóng sông Hồng đang trào dâng mạnh mẽ; hình ảnh nữ sinh kháng chiến Trường Nữ Trung học Trưng Vương (Hà Nội) tham gia diễu hành; hình ảnh người tử tù đang cưa song sắt cống ngầm Nhà tù Hỏa Lò để tổ chức vượt ngục vào đêm Noel ngày 24/12/1951. Bên cạnh đó, công chúng còn được gặp gỡ các nhân chứng lịch sử là các cựu học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội giai đoạn 1947 - 1954; các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, Trại giam tù binh Phú Quốc và nhân chứng tham gia tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954./.