70 năm qua, điện ảnh cách mạng Việt Nam luôn luôn song hành cùng lịch sử dân tộc. Các nghệ sỹ bằng tài năng, tâm sức và sự sáng tạo không ngừng đã để lại một di sản những tác phẩm điện ảnh vô giá.
TTXVN - Cách đây tròn 70 năm, vào ngày 15/3/1953, tại Khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập "Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam", đặt nền móng cho sự phát triển của hai ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam.
Thông báo số 262-TB/TW ngày 24/7/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chuẩn y đề nghị của Hội Điện ảnh Việt Nam lấy ngày 15/3 là Ngày truyền thống của Điện ảnh Việt Nam, gọi là Ngày Điện ảnh Việt Nam.
70 năm qua, điện ảnh cách mạng Việt Nam luôn luôn song hành cùng lịch sử dân tộc. Các nghệ sỹ bằng tài năng, tâm sức và sự sáng tạo không ngừng đã để lại một di sản những tác phẩm điện ảnh vô giá.
* 70 năm đồng hành cùng dân tộc
Sắc lệnh thành lập "Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam" được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 15/3/1953, nhưng Điện ảnh cách mạng Việt Nam đã hình thành từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 lịch sử.
Ngay khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, một số nhà làm phim cách mạng ở cả hai miền Nam, Bắc đã thực hiện được những phim tài liệu quý giá, như: "Trận Mộc Hóa", "Trận Đông Khê", "Chiến thắng Tây Bắc"… Đó là những thước phim tài liệu chân thực, sống động về cuộc chiến đấu chống Pháp vô cùng anh dũng của nhân dân ta, ngày nay đã trở thành bằng chứng lịch sử vô giá. Trong đó, phim tài liệu "Trận Mộc Hóa" do Khu 8 ở miền Nam thực hiện và ra mắt năm 1948 được xem là phim tài liệu đầu tiên của nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Đến đầu năm 1953, cùng với đà thắng lợi liên tiếp của cuộc kháng chiến chống Pháp, điện ảnh Việt Nam cũng đã lớn mạnh về đội ngũ người làm phim. Thành công lớn tiêu biểu cho sự trưởng thành của điện ảnh Việt Nam là phim tài liệu "Điện Biên Phủ -1954". Năm 1959, bộ phim truyện nhựa đầu tiên của Điện ảnh cách mạng Việt Nam mang tên "Chung một dòng sông" ra đời, gắn với sự hình thành của Xưởng phim truyện Việt Nam. Đến năm 1960, bộ phim hoạt hình đầu tiên mang tên "Đáng đời thằng Cáo" cũng đã ra mắt. Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt nhất, điều kiện máy móc, vật chất vô cùng khó khăn gian khổ, những bộ phim đỉnh cao vẫn tiếp tục ra đời. Về phim truyện, có thể kể đến "Con chim vành khuyên", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Chị Tư Hậu", "Em bé Hà Nội"…
Sau ngày thống nhất đất nước, khoảng những năm 80 của thế kỷ XX, điện ảnh Việt Nam đã có sự đổi mới trong cách nhìn nhận, cách thức thể hiện vấn đề trong phim. Những bộ phim đổi mới đầu tiên như "Thị xã không yên tĩnh", "Thằng Bờm"… đã tạo dấu ấn và động lực để những bộ phim sau đổi mới mạnh mẽ hơn. Các phim sau đó, như: "Tướng về hưu", "Cô gái trên sông", "Gánh xiếc rong"… đã gây nhiều tranh luận bởi cách khai thác vấn đề xã hội rất táo bạo, trực diện. Các phim đề tài chiến tranh, đề tài hậu chiến cũng được các nhà làm phim khai thác theo hướng mới, tinh tế hơn, bám sát hiện thực cuộc sống.
Không chỉ phim truyện, phim tài liệu giai đoạn đổi mới đã có sự chuyển hướng trong cách tiếp cận, khai thác vấn đề theo hướng gần gũi hơn với cuộc sống. Nhiều phim tài liệu thời kỳ đổi mới đã giành được giải thưởng trong các kỳ liên hoan phim quốc tế, như: "Chị Năm khùng", "Trở lại Ngư Thủy", "Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai"…
Miền Nam những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX xuất hiện một dòng phim do tư nhân sản xuất mà người trong giới quen gọi là phim "mỳ ăn liền". Tuy nhiên, những phim này mang nhiều tính thương mại, tính nghệ thuật cũng còn hạn chế nên cũng không tồn tại được lâu dài. Đến những năm đầu của thế kỷ XXI, trào lưu làm phim thương mại giải trí, trình chiếu theo mùa xuất hiện, kéo khán giả tới rạp. Nhiều bộ phim đã để lại những dấu ấn đáng ghi nhận, như: "Thời xa vắng", "Mùa len trâu", "Áo lụa Hà Đông", "Dòng máu anh hùng", "Thiên mệnh anh hùng"…, hay những bộ phim truyền thống - cách mạng như "Đừng đốt", "Mùi cỏ cháy"…
Những năm gần đây, nhiều bộ phim điện ảnh Việt Nam liên tục ra mắt và đạt doanh thu "khủng" như "Mỹ nhân kế", "Gái già lắm chiêu", "Cô ba Sài Gòn", "Chị chị em em", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Mắt biếc", "Hai Phượng", "Bố già", "Nhà bà nữ"… đã cho thấy, điện ảnh Việt đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.
* Nỗ lực thúc đẩy điện ảnh phát triển
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, điện ảnh Việt Nam từ khi ra đời đến nay đã trải qua nhiều bước thăng trầm. Nhưng với sứ mệnh của mình, điện ảnh đã có đóng góp không nhỏ trong sự phát triển của văn học, nghệ thuật và khẳng định giá trị riêng có ở từng giai đoạn lịch sử của đất nước.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú, hiện nay, điện ảnh Việt Nam đang hồi sinh mạnh mẽ, với hàng trăm đơn vị sản xuất phim, hàng năm cung cấp từ 45 đến 50 phim truyện điện ảnh ra rạp, chưa kể những thể loại phim khác, như: Hoạt hình, tài liệu, khoa học... là những con số đáng ghi nhận cho sự tâm huyết, sáng tạo của các đơn vị sản xuất phim, người làm phim vì sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.
Chỉ tính riêng số phim ra rạp năm 2022, đầu năm 2023 và kế hoạch các phim sắp công chiếu trong thời gian tới đây, các đạo diễn, nhà sản xuất có uy tín trong nghề, như: Trấn Thành, Nguyễn Quang Dũng, Lương Đình Dũng, Phan Gia Nhật Linh, Ngô Thanh Vân, Lê Văn Kiệt... đã cho ra mắt nhiều bộ phim kịch bản thuần Việt. Trong đó, phim "Nhà bà Nữ" đạt doanh thu 430 tỷ đồng; "Em và Trịnh" cán mốc 100 tỷ đồng; "Bẫy ngọt ngào" gần 90 tỷ đồng... (theo thống kê từ chuyên trang phòng vé độc lập Box Office Vietnam).
Tuy nhiên, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng, một nền điện ảnh phát triển không chỉ có những phim đạt doanh thu cao, có sức hút ngoài rạp chiếu, phải đa dạng đề tài hơn, đến được với nhiều đối tượng khán giả hơn. Đơn cử, những bộ phim doanh thu trăm tỷ thời gian qua hầu hết là phim thị trường. Những người yêu điện ảnh Việt mong muốn có những bộ phim mang giá trị nghệ thuật cao, muốn vậy, nhất định phải nhờ vào nguồn lực của Nhà nước. Nhất là những đề tài phim về chiến tranh cách mạng, lịch sử, văn hóa, nông thôn, miền núi...
Theo ý kiến của một số nhà sản xuất phim, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa, Luật Điện ảnh năm 2022 có nhiều điểm mới cơ bản phù hợp yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, nếu đã xác định điện ảnh là ngành công nghiệp cần bám sát thực tế để từng đơn vị có chính sách cụ thể, phù hợp cho sự phát triển. Nhà nước cần có đánh giá tác động của điện ảnh đối với kinh tế, từ đó có sự quan tâm đặc biệt và dành cho điện ảnh sự hỗ trợ tương xứng về chính sách cũng như nguồn lực.
Đội ngũ làm dòng phim độc lập cũng cần những cơ chế khích lệ. Những bộ phim và tác giả thời gian vừa qua đã rất cố gắng để tìm nguồn tài trợ thực hiện nên mạnh dạn đưa đi tham dự các liên hoan phim quốc tế, nhằm góp phần quảng bá văn hóa, điện ảnh của Việt Nam. Có những bộ phim đã được vinh danh, đoạt những giải thưởng lớn khi trở về nước cần có sự hỗ trợ của Nhà nước từ việc ra rạp, phổ biến rộng rãi trong các tuần phim, tuần văn hóa mang tính quốc gia hoặc địa phương xuất hiện trong bối cảnh phim để phim có giá trị gia tăng sau khi được vinh danh.
Đội ngũ sản xuất phim cũng như các nhà quản lý đều cho rằng, cùng với sự hỗ trợ về chính sách và nguồn lực, Nhà nước cần mở rộng không gian văn hóa của điện ảnh Việt Nam thông qua các dự án hợp tác quốc tế; hoặc tạo hành lang pháp lý phù hợp để mở rộng cửa đón các dự án điện ảnh quốc tế đến Việt Nam. Thông qua các hoạt động đó tạo điều kiện để nguồn nhân lực làm điện ảnh của nước ta có cơ hội để cọ xát, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật với các đoàn làm phim lớn... từng bước đưa điện ảnh Việt Nam trở thành ngành mũi nhọn để phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Với tất cả những kết quả các thế hệ nghệ sỹ điện ảnh Việt Nam đã làm được trong 70 năm qua, những người làm điện ảnh Việt Nam có quyền tự hào vì đã đóng góp tài năng, trí tuệ, cũng như sức lực cho sự phát triển của Điện ảnh cách mạng Việt Nam./.