Văn hóa

Tạo động lực thúc đẩy phát triển cà phê Việt Nam

Đắk Lắk

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 đã truyền tải khát vọng, quyết tâm của tỉnh Đắk Lắk về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, điểm đến của cà phê thế giới.

Các tiết mục nghệt thuật đặc sắc tại tối khai mạc lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

TTXVN - Sau 4 năm, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 đã được tổ chức trở lại, được nhân dân tỉnh Đắk Lắk và du khách xa gần háo hức, mong đợi. Diễn ra sôi nổi từ ngày 10-14/3, Lễ hội đã kết thúc thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng.

*Trải nghiệm không gian văn hóa rộng mở

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 được tổ chức quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với 18 chương trình, hoạt động chính và nhiều hoạt động hưởng ứng. Trong đó, Lễ Khai mạc chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến cà phê thế giới” đã truyền tải 5 thông điệp là kế thừa, điểm đến, hội nhập, sự lan tỏa và tính quốc tế, thể hiện khát vọng nâng tầm vị thế cà phê Buôn Ma Thuột, giới thiệu văn hóa cà phê Buôn Ma Thuột đến bạn bè quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Chinh, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ, ông đã tham dự 8 lần lễ hội. Trong đó, ông đặc biệt ấn tượng với phần khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm nay. Theo ông Chinh, so với 7 lần trước, lần này, lễ khai mạc được tổ chức hoành tráng nhất, có nhiều đổi mới, sáng tạo, vừa thể hiện bản sắc, truyền thống văn hóa của 49 dân tộc trên địa bàn tỉnh vừa hiện đại theo xu hướng hội nhập quốc tế.

Lễ hội năm nay có nhiều hoạt động mới như: Lễ hội ánh sáng, Cuộc thi video clip giới thiệu về cà phê Buôn Ma Thuột, biểu diễn vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn”... Hội voi Buôn Đôn là một trong 18 hoạt động chính của lễ hội. Năm nay, UBND huyện Buôn Đôn không tổ chức thi voi chạy, voi bơi, voi đá bóng, thi kéo co giữa voi với người mà thay vào đó là các hoạt động như thi trang điểm cho voi, tiệc buffet cho voi, voi chào khán giả, chụp hình với voi...

Tiết mục biểu diễn mang bản sắc Tây Nguyên tại Lễ Khai mạc. (Ảnh: TTXVN phát)

Chị Nguyễn Thị Lan, du khách đến từ huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, tham gia hội voi Buôn Đôn, chị rất ấn tượng vì được tương tác thân thiện với voi. Là người dân Đắk Lắk, chị Lan ủng hộ việc chuyển đổi các hoạt động sang du lịch thân thiện với voi để bảo tồn, gìn giữ đàn voi nhà.

Ông Trần Hữu Hùng, du khách đến từ huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội cho biết, đây là lần đầu tiên ông vào Đắk Lắk và tham dự Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Theo ông Hùng, Lễ hội diễn ra hoành tráng, sôi nổi, vui vẻ, người dân thân thiện, ly cà phê Buôn Ma Thuột đậm đà, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Trong Lễ hội thứ 8, một hoạt động được nhân dân và du khách hưởng ứng nhiệt tình là Ngày hội cà phê miễn phí. Gần 500 quán trên địa bàn tỉnh phục vụ cà phê miễn phí từ 1 - 5 ngày. UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã ra mắt Phố thưởng thức cà phê miễn phí với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, ra mắt sách, Coffee tour… trong 5 ngày diễn ra lễ hội. Cùng với hàng loạt hoạt động hưởng ứng lễ hội do các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, hội đoàn thể tổ chức góp phần tạo nên một lễ hội nhộn nhịp, ấn tượng, thành công.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 được chuẩn bị chu đáo thông qua sự điều hành của các Tiểu ban nội dung, Truyền thông, An ninh trật tự, Lễ tân - hậu cần. Lễ hội thu hút khoảng 90.000 lượt du khách, trong đó có 600 du khách quốc tế, điều đó góp phần minh chứng cho sự thành công, sức lan tỏa của lễ hội, xứng tầm là lễ hội quốc gia, để lại ấn tượng sâu sắc với công chúng.

Du khách trong và ngoài nước thưởng thức cà phê và tham quan Hội chợ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

*Nối dài kết nối giao thương

Với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới”, Lễ hội lần thứ 8 có nhiều hoạt động chuyên sâu về ngành hàng cà phê như: Hội nghị kết nối giao thương quốc tế, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê, Hội thảo phát triển cà phê Việt Nam chất lượng cao, Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản… Lễ hội đã tạo ra không gian trải nghiệm cà phê rộng rãi, nối dài cùng nhiều hoạt động kết nối giao thương, hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng cà phê.

Lần đầu tiên đến Đắk Lắk, tham dự Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Đại sứ Cộng hòa Armenia tại Việt Nam Vahram Kazhoyan cho biết rất vinh hạnh và ấn tượng. Điều làm ngài Vahram Kazhoyan ấn tượng nhất là được chứng kiến, nghe câu chuyện từ người trồng, sản xuất, chế biến cà phê và thưởng thức cà phê Buôn Ma Thuột, làm quen với những sản phẩm cà phê của tỉnh Đắk Lắk. Thời gian tới, Đại sứ quán Cộng hòa Armenia tại Việt Nam sẽ xúc tiến, thúc đẩy hợp tác giữa Cộng hòa Armenia với tỉnh Đắk Lắk trong các lĩnh vực tiềm năng, đặc biệt là cơ hội đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng nông sản của tỉnh.

Ngài Kong Putheara, Tùy viên thương mại Đại sứ quán Campuchia tại Hà Nội cho biết, năm 2022, xuất khẩu hai chiều giữa Việt Nam - Campuchia đạt hơn 11 tỷ USD, tăng 0,2% so với năm 2021. Trong đó, cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia đạt 1.145 tấn, tương đương hơn 4 triệu USD. Đến Đắk Lắk dịp lễ hội, được thăm nhà vườn trồng cà phê, tham dự hoạt động chuyên sâu về cà phê, ngài Kong Putheara hy vọng, cà phê Đắk Lắk tiếp tục tăng trưởng, thâm nhập vào thị trường Campuchia nhiều hơn. Đồng thời, ngài Kong Putheara chia sẻ, bản thân ấn tượng với Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản Việt Nam; sẽ quảng bá, kêu gọi doanh nghiệp Campuchia đến Đắk Lắk tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các mặt hàng nông sản như cà phê, hồ tiêu, ca cao, sầu riêng.

Doanh nghiệp tìm hiểu về máy pha chế cà phê tại Hội chợ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Tại lễ hội, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê thu hút sự tham gia của 162 đơn vị với hơn 400 gian hàng, trong đó có 32 gian hàng của 6 doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 có sự tham dự của hơn 460 đại biểu, trong đó có 86 đại biểu của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu quốc tế. Kết thúc Hội nghị đã có 10 cặp biên bản, ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu và nhà nhập khẩu đến từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc với doanh nghiệp Việt Nam. Những ấn tượng tốt đẹp cùng những “cái bắt tay” nối dài xuyên biên giới sẽ góp phần thúc đẩy, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng ban Tổ chức lễ hội Nguyễn Tuấn Hà cho biết, thành công của lễ hội sẽ là động lực mạnh mẽ để tỉnh tiếp tục tôn vinh sản phẩm cà phê Việt Nam, đặc biệt là thương hiệu và chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột trên trường quốc tế; quảng bá phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản; lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, là cơ hội để tăng cường tình đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa tỉnh Đắk Lắk với các địa phương trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế. Thông qua lễ hội đã truyền tải khát vọng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, điểm đến của cà phê thế giới./.

PV

Xem thêm