Văn hóa

Chính sách và giải pháp để ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển

Để phát triển điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo mũi nhọn, các chính sách của Nhà nước về tài trợ sản xuất phim, bảo hộ phim trong nước vô cùng quan trọng.

Hội thảo quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á”. (Ảnh: Phương Lan)

TTXVN - Chiều 14/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á”. Hội thảo có sự tham dự của đại diện cơ quan quản lý, các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất phim, các chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực điện ảnh trong và ngoài nước.

Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam (15/3/1953-15/3/2023), tiền thân của hai ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh ngày nay.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sỹ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam khẳng định: Công nghiệp điện ảnh là ngành mũi nhọn để phát triển công nghiệp văn hóa. Luật Điện ảnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh nước nhà. Từ chỗ điện ảnh chỉ được coi là một ngành nghệ thuật, Luật đã xác định điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Ngô Phương Lan cho rằng, khung pháp lý đã có, nhưng để hiện thực hóa vào đời sống, cần những cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp từ Nhà nước để phát huy hết năng lực sáng tạo của nhà làm phim, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh, khuyến khích hợp tác công-tư trong sản xuất, phát hành - phổ biến phim, phát triển thị trường điện ảnh Việt và xây dựng nền công nghiệp điện ảnh dần lớn mạnh.

Bởi vậy, việc trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, các nghệ sỹ, nhà làm phim thuộc các thế hệ của điện ảnh Việt Nam với các chuyên gia từ các nước đã có quá trình xây dựng công nghiệp điện ảnh nhiều thập kỷ và các nước gần gũi trong khu vực Đông Nam Á là rất bổ ích và thiết thực.

Hội thảo gồm 3 phiên thảo luận với 3 chủ đề: “Chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất phim”, “Chính sách hợp tác quốc tế trong quảng bá và hợp tác sản xuất phim”, “Khuyến nghị về chính sách, biện pháp thúc đẩy sáng tạo và phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia”.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, để phát triển điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo mũi nhọn, các chính sách của Nhà nước về tài trợ sản xuất phim, bảo hộ phim trong nước vô cùng quan trọng.

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Nhật Minh, việc Nhà nước đặt hàng và tài trợ sản xuất phim hàng năm tạo nên nhiều bộ phim hay cho điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc chọn lựa phim Nhà nước hỗ trợ phải kỹ càng hơn. Các cơ quan quản lý phải tổ chức các cuộc thi rộng lớn, huy động nhiều đối tượng tham gia, để chọn kịch bản tốt, những người làm phim tốt, mới tạo được những bộ phim thành công.

Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lý Phương Dung cho biết, Cục đã tổ chức một số cuộc thi về kịch bản cho từng loại hình phim, tạo nguồn cho Nhà nước và các nhà sản xuất đầu tư, nhưng chưa được thường xuyên. Các chính sách “bắt tay” giữa Nhà nước và tư nhân trong việc sản xuất phim cũng đang được các cơ quan quản lý nghiên cứu để tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sáng tạo những tác phẩm điện ảnh chất lượng, từ đó xây dựng, phát triển công nghiệp điện ảnh.

Các đại diện điện ảnh đến từ Đan Mạch, Indonesia, Thái Lan đã chia sẻ về kinh nghiệm phát triển công nghiệp điện ảnh của các nước ASEAN và thế giới, thu hút đầu tư quốc tế trong hoạt động điện ảnh, đào tạo và phát triển nhân lực điện ảnh, phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia, các quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng, sau khi Luật Điện ảnh với nhiều điểm mới đi vào đời sống, việc xây dựng những chính sách hỗ trợ để triển khai hiệu quả, phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia, xây dựng công nghiệp điện ảnh là rất cần thiết. Trong đó, việc hợp tác công tư, huy động các nguồn lực xã hội hóa vào hoạt động sản xuất phim, phổ biến, phát hành, quảng bá, hợp tác quốc tế, đào tạo nhân lực là vô cùng quan trọng và sẽ được các cơ quan quản lý xúc tiến, xây dựng, triển khai phù hợp.

Nhiều đại biểu hy vọng, các ý kiến tại hội thảo lần này sẽ góp những hướng đi, giải pháp cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, những người hoạt động điện ảnh tiếp thu, lựa chọn và áp dụng thực tế tại Việt Nam./.


Phương Lan

Xem thêm