Năm 2022, xét về số lượng, du khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt. Năm 2019 là thời kỳ đỉnh cao, chúng ta phục vụ 85 triệu lượt khách.
TTXVN - Ngày 15/3/2023 là dấu mốc quan trọng của du lịch Việt Nam, nỗ lực trở lại sau thời gian dài “ngủ đông” do dịch COVID-19. Đến tháng 3/2023, một năm sau dấu mốc này, du lịch Việt Nam đã gặt hái được thành công nhất định, nhất là “bùng nổ” du lịch nội địa.
Tuy vậy, lượng khách quốc tế chưa được như mong đợi và phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt được mục tiêu đón 8 triệu lượt khách vào năm 2023. Một tin rất tốt lành với toàn ngành, đó là Chính phủ Trung Quốc đã đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt II, từ ngày 15/3/2023. Đây được coi là tín hiệu tích cực, tạo động lực lớn cho du lịch nước ta trong thời gian tới.
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài viết “Du lịch Việt nhìn lại một năm phục hồi”, nhằm khẳng định nỗ lực hồi sinh của toàn ngành, nêu rõ khó khăn cần tháo gỡ để tăng năng lực cạnh tranh, thu hút khách quốc tế đến trong thời gian tới.|
Bài 1: Nỗ lực trở lại sau COVID-19
Mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/3/2022, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở trên thế giới. Toàn ngành đã có cơ hội lớn để thúc đẩy du lịch phục hồi sau COVID-19 và thực tế là đã gặt hái được những kết quả nhất định.
*Ghi nhận sự khởi sắc
Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022). Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất. Việc nhận được 16 giải thưởng du lịch tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2022 - khu vực châu Á và châu Đại Dương đã tiếp tục khẳng định thương hiệu, vị thế của du lịch Việt Nam...
Hoạt động du lịch trên cả nước khá nhộn nhịp ngay sau thời điểm ngày 15/3/2022. Nhiều địa phương có kết quả hoạt động du lịch nổi bật như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lào Cai, Lâm Đồng, Hà Giang, Bình Thuận...
Cụ thể, năm 2022, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút gần 30 triệu lượt khách du lịch quốc tế và nội địa. Riêng khách du lịch nội địa tăng 167% so với cùng kỳ, tổng thu du lịch đạt 120.000 tỉ đồng, tăng 33% so với kế hoạch. Trong đó phải kể đến sự kiện, du lịch thành phố đã đón đoàn khách du lịch MICE lớn nhất trong số các đoàn khách mà Việt Nam từng đón.
Thành phố Hồ Chí Minh đã làm mới lại các chương trình du lịch tại ở nhiều điểm đến với 6 chương trình du lịch mới, hấp dẫn; triển khai sản phẩm du lịch mới, độc đáo "Ngắm thành phố từ trên cao" bằng máy bay trực thăng. Đồng thời, thành phố công bố và cập nhật tài nguyên du lịch gồm 366 tài nguyên du lịch đặc sắc trên ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động (app du lịch)...
Năm 2022, thương hiệu của du lịch Đà Nẵng tiếp tục được vinh danh với giải thưởng danh hiệu quốc tế. Hội đồng Tư vấn Du lịch bình chọn Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam... Năm 2023, thành phố phấn đấu số lượng khách lưu trú phục vụ tăng 15-20% so với năm 2022.
Để thu hút du khách, thời gian tới, Đà Nẵng sẽ thúc đẩy phát triển, quảng bá các nhóm sản phẩm có lợi thế, làm mới các sản phẩm phù hợp nhu cầu xu hướng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Cụ thể, thành phố này ưu tiên 3 nhóm sản phẩm: Sản phẩm đặc trưng (du lịch biển và nghỉ dưỡng cao cấp gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch đô thị gắn với mua sắm, vui chơi giải trí, du lịch M.I.C.E, golf, sự kiện, lễ hội mang tầm quốc tế, du lịch văn hoá, lịch sử và du lịch sinh thái), sản phẩm chính (du lịch đêm, đường thủy, ẩm thực, cộng đồng và du lịch nông nghiệp nông thôn) và sản phẩm bổ trợ (du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe, cưới, giáo dục)...
Thủ đô Hà Nội qua hai tháng của năm 2023 đã đón 3,73 triệu lượt khách, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 535.000 lượt khách du lịch nội địa ước đạt 3,2 triệu lượt khách, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 13,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Năm 2023, thành phố đẩy mạnh các loại hình du lịch mới như thể thao mạo hiểm, trải nghiệm, du lịch sông Hồng, bay trực thăng, khinh khí cầu, ứng dụng thực tế ảo. Các doanh nghiệp đang tất bật chuẩn bị các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước.
*Tự hào du lịch nội địa
Để đánh giá thành công của ngành Du lịch thường dựa vào 3 chỉ số quan trọng nhất, cần đi sâu, đó là lượng khách nội địa, lượng khách quốc tế và tổng thu từ du lịch.
Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính nhấn mạnh: Năm 2022, xét về số lượng, du khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt. Năm 2019 là thời kỳ đỉnh cao, chúng ta phục vụ 85 triệu lượt khách. Qua đó có thể thấy, năm 2022 vượt được khoảng 20% so với năm 2019, đạt được lượng khách nội địa cao nhất từ trước tới nay, tốc độ phục hồi cũng tốt nhất. Rõ ràng đây là thành tích tốt, đáng tự hào của du lịch nước ta. Đó cũng là sự cố gắng lớn của cả ngành, từ cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp đã chủ động, tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo sản phẩm phù hợp, chương trình kích cầu du lịch ngay từ khi du lịch mở cửa trở lại.
Ông Lê Công Năng, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Wondertour chia sẻ: Việt Nam mở lại toàn bộ hoạt động du lịch vào đúng thời điểm chuẩn bị cho mùa du lịch hè 2022. Do vậy, ngay lập tức, đơn vị và toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch “sôi động” trở lại. Giai đoạn hè 2022, công ty đã tăng trưởng trở lại, đạt kết quả 60% - 70% so với thời điểm trước dịch. Với khách du lịch nội địa, ngoài các tour “đinh” phục vụ nhu cầu du lịch hè như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Yên, Quy Nhơn, Hạ Long, công ty còn chú trọng sản phẩm chuyên đề cho các thị trường đặc thù...
“Chúng tôi đã thử nghiệm sản phẩm du lịch chụp ảnh và du lịch chăm sóc sức khỏe và được khách hàng đánh giá cao. Hiện Wondertour tiếp tục phát triển các tour chuyên đề, đặc biệt là các chương trình dành riêng cho giới doanh nhân gồm: Tour kết nối giao thương, tour thể thao, tour caravan và tour hội chợ" - ông Lê Công Năng chia sẻ.
Theo đánh giá của ông Cao Anh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Paradise Vietnam, sau một năm du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn, Paradise Vietnam ghi nhận có sự tăng trưởng về lượng khách quốc tế. Hệ thống du thuyền và khách sạn của Paradise Vietnam luôn kín chỗ, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Lượng khách thị trường quốc tế tuy vẫn chưa hồi phục được như mức trước dịch nhưng cơ cấu khách theo quốc tịch, khu vực có sự dịch chuyển đáng kể.
Cụ thể, lượng khách nội địa, khách đến từ các nước châu Á và các thị trường mới như Ấn Độ có sự gia tăng đáng kể. Các thị trường trọng điểm trước đây như Hàn Quốc ghi nhận sự tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, lượng khách từ thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Malaysia chưa hồi phục như mức trước dịch...
Ông Hoàng Nhân Chính nêu ý kiến: Dù thành công ở thị trường nội địa nhưng khách quốc tế chưa đạt được như kỳ vọng. Mục tiêu đưa ra là đón 5 triệu khách quốc tế nhưng thực tế chỉ đạt gần 3,7 triệu lượt (khoảng 73%) và chỉ bằng 20% so với năm 2019. Các thị trường khách đạt số lượng cao là Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Malaysia...
Có luồng thông tin cho rằng: Lượng khách nội địa đạt cao rồi, có cần quan tâm thu hút khách quốc tế hay không? Về vấn đề này, ông Hoàng Nhân Chính chia sẻ: Qua theo dõi trong 3 năm cho thấy, số lượng trung bình khách quốc tế thấp hơn nhiều so với nội địa, chỉ đạt 1/5 nhưng đóng góp vào doanh thu lại rất cao, từ 55 - 60% tổng thu. Từ đó có thể thấy, rõ ràng là khách quốc tế tuy ít nhưng đóng góp cho doanh thu, cho nền kinh tế Việt Nam lại cao. Ngoài ra, ở Việt Nam khách nội địa hay đi theo mùa vụ, thông thường cao điểm là mùa Hè, mùa Đông lại vắng. Khách quốc tế ít vào mùa hè, nhiều vào mùa Đông vì Việt Nam có bãi biển, nắng ấm chan hòa, rất hợp với du khách quốc tế đến từ những nơi có mùa Đông giá rét.
Ông Hoàng Nhân Chính nêu rõ: Khách quốc tế không chỉ đóng góp nguồn thu mà còn giúp điều hòa lượng khách du lịch đều quanh năm. Đây chính là nguồn thu ngoại tệ cho đất nước từ xuất khẩu tại chỗ.
Về doanh thu, năm 2022, ngành Du lịch thu 495.000 tỷ đồng, vượt 23% chỉ tiêu đề ra nhưng so với năm 2019 mới đạt khoảng 66%. Điều này cho thấy rằng, toàn ngành phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong năm 2023 để các chỉ số đạt được mục tiêu đề ra, hướng tới phát triển du lịch bền vững, thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước./.
Du lịch Việt nhìn lại một năm phục hồi: * Bài 2: “Chìa khóa” thu hút khách quốc tế
- Từ khóa:
- Du lịch Việt Nam
- một năm phục hồi