Thương hiệu cà phê của Việt Nam từ lâu đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới.
TTXVN - Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 (từ ngày 10-14/3/2023) tại Đắk Lắk với 18 hoạt động chính thức nhằm quảng bá thương hiệu, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.
Lễ hội lần này được tổ chức quy mô lớn, thể hiện xu hướng hội nhập quốc tế với phong cách hiện đại làm nổi bật chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới".
Với lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng có thể tạo ra số lượng lớn cà phê hàng năm, Đắk Lắk nói chung và thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến của các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực cà phê với mong muốn nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê.
Thương hiệu cà phê của Việt Nam từ lâu đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Brazil) đạt gần 1,8 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu trên 53 tỷ USD của ngành nông nghiệp, trong đó nguồn cà phê Đắk Lắk chiếm trên 30% sản lượng, với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” nổi tiếng, đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là những nền tảng để hương vị cà phê Việt Nam và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng tiếp tục lan tỏa đến những thị trường tiềm năng mới.
Việt Nam không chỉ là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới mà còn có những cách thưởng thức cà phê độc đáo với những biến tấu riêng không có ở nơi nào khác.
Nội dung: Lan - Bắc (tổng hợp)
Thiết kế: Minh Anh
Ảnh, đồ họa: TTXVN