98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam: Văn hóa báo chí là "vaccine" chống tiêu cực từ bên ngoài xã hội
Việc xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa trong tình hình hiện nay nhằm góp phần xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển trong thời kỳ mới.
TTXVN - Báo chí là một sản phẩm văn hóa. Những người làm báo chính là những người có trách nhiệm truyền tải những thông điệp tích cực, văn hóa, tạo niềm tin cho công chúng, cũng như tạo đồng thuận của xã hội, góp phần xây dựng xã hội phát triển. Việc xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa trong tình hình hiện nay nhằm góp phần xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển trong thời kỳ mới.
* Xây dựng môi trường văn hóa báo chí
Tháng 6/2022, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025). Để góp phần đẩy mạnh văn hóa báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố bản tiêu chí cơ bản gồm 12 điểm về xây dựng cơ quan báo chí văn hóa (6 điểm), văn hóa của người làm báo Việt Nam (6 điểm), đồng thời đề nghị các cơ quan báo chí, các cấp hội và người làm báo trong cả nước tích cực hưởng ứng, chủ động ký kết giao ước thi đua, thực hiện tốt các tiêu chí đã đề ra.
Hưởng ứng phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” do Hội Nhà báo Việt Nam phát động. Ngày 24/8/2022, Tổng giám đốc, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) Vũ Việt Trang đã phát động phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa và văn hóa người làm báo TTXVN” tới tất cả các hội viên, chi hội trực thuộc, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, hội viên nhà báo về tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước nói chung, TTXVN nói riêng.
Phong trào hướng đến xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, trọng tâm là xây dựng môi trường cơ quan văn hóa, văn hóa người làm báo TTXVN; thúc đẩy sự tham gia tích cực của các chi hội, từng hội viên trong thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về văn hóa, tạo phong trào thi đua thiết thực, ý nghĩa để thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa, phát huy giá trị văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo ra các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, đạo đức, lòng nhân ái, góp phần xây dựng con người có nhân cách, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh…
Bên cạnh việc triển khai sâu rộng phong trào đến từng hội viên, Liên chi hội nhà báo TTXVN còn đưa các nội dung của phong trào vào tiêu chí đánh giá công tác thi đua khen thưởng của hội viên, chi hội hằng năm; động viên, tạo điều kiện thuận lợi để hội viên phát huy sáng kiến, lan tỏa các giá trị văn hóa trong hoạt động tác nghiệp và trong đời sống xã hội, để phong trào được tiến hành thường xuyên, liên tục, thiết thực, tạo thành nền nếp đối với đội ngũ những người làm báo của TTXVN.
Là một trong 11 cơ quan đại diện cho các cơ quan báo chí cả nước ký cam kết thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”, ngày 15/9/2022, Báo Quân đội Nhân dân đã tổ chức Lễ phát động Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong Báo Quân đội Nhân dân” với chủ đề “Trách nhiệm, chính quy, chuyên nghiệp, nhân văn”, hướng đến việc xây dựng “Cơ quan báo chí văn hóa”, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên là “Người làm báo văn hóa”.
Bên cạnh đó, để lan tỏa tinh thần văn hóa báo chí, Liên chi hội Nhà báo Báo Quân đội Nhân dân còn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Để lan tỏa tinh thần văn hóa báo chí, tại Hội Báo toàn quốc 2023, diễn ra vào tháng 3/2023, Báo Quân đội nhân dân còn tổ chức tọa đàm “Văn hóa báo chí”; hướng tới kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ngày 15/6, Báo Quân đội Nhân dân tổ chức tọa đàm “Văn hóa nhà báo chiến sĩ”, thêm một lần nữa khẳng định quyết tâm của những nhà báo-chiến sĩ trong việc thực hiện phong trào thi đua một cách thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu.
Không chỉ TTXVN, Báo Quân đội Nhân dân, rất nhiều cơ quan báo chí trong cả nước đã hưởng ứng, tham gia phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan báo chí, các tòa soạn báo đã ký cam kết thực hiện, triển khai thực hiện cơ quan văn hóa, văn hóa người làm báo. Ở mỗi địa phương, mỗi Chi hội có những cách làm, cách triển khai phong trào xây dựng môi trường văn hóa khác nhau nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu đưa cơ quan báo chí đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của báo chí.
* Lan tỏa giá trị nhân văn
Theo Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, báo chí là một bộ phận cấu thành đặc biệt của văn hóa. Tác phẩm báo chí là sản phẩm văn hóa, tinh thần phổ biến nhất trong xã hội hiện đại. Báo chí cũng là tấm gương phản chiếu văn hóa cộng đồng, tích cực quảng bá và góp phần phát triển các loại hình văn hóa khác.
Những năm gần đây, cùng với sự đổi mới, đi lên của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam luôn xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị, truyền thống văn hóa tốt đẹp, nâng cao nhận thức của nhân dân, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội.
Những thay đổi lớn trong môi trường kinh tế-xã hội tạo ra động lực, điều kiện thuận lợi để báo chí phát huy theo hướng rộng mở, chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức, những hệ lụy, mặt trái của sự phát triển. Đáng chú ý là sự xuất hiện của mạng xã hội, các phương tiện truyền thông mới đã khiến thị phần của nhiều cơ quan báo chí suy giảm. Một bộ phận báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thờ ơ với nhóm công chúng đối tượng của mình, tìm đến những thị hiếu tầm thường, sản xuất nội dung chủ yếu nhằm tăng số lượng truy cập, thỏa hiệp tính trung thực, khách quan để đạt được mục đích kinh tế…
Trong bối cảnh đó, việc nâng cao nhận thức về văn hóa, tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, xây dựng cơ quan báo chí, người làm báo văn hóa là yêu cầu cấp thiết. Đó cũng là lý do tại Hội Báo toàn quốc năm 2023, yếu tố văn hóa trong báo chí được nhấn mạnh, khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng văn hoá báo chí trong các cơ quan báo chí và người làm báo hiện đại.
Đồng quan điểm, Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà Báo Việt Nam cho rằng, bên cạnh những nhà báo có những cống hiến cho đất nước, cho sự phát triển của sự nghiệp báo chí, mang lại vinh quang cho nhà báo, nghề báo, hiện nay, trong hệ thống báo chí có hiện tượng rất đáng lo ngại. Đó là một bộ phận không nhỏ những người làm báo và mang danh báo chí đã không làm nghề để phục vụ cộng đồng, phục vụ đất nước, nhân dân, dùng nghề để vụ lợi, từ đó có những hành vi sai phạm trong nghiệp vụ báo chí. Một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, sa đà vào thông tin mặt trái xã hội, thiếu tính nhân văn, phản giáo dục, phản văn hóa. Một số ít người làm báo vụ lợi, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tham gia mạng xã hội thiếu chuẩn mực, thiếu trách nhiệm...
Theo Nhà báo Hồ Quang Lợi, báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong việc chuyển tải văn hóa, lan tỏa văn hóa ra xã hội bởi những bài báo viết hàng ngày, sản phẩm báo chí các nhà báo sáng tạo ra hàng ngày chứa đựng tri thức văn hóa, thông điệp có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ tới công chúng, đó chính là sứ giả đưa văn hóa ra xã hội.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, báo chí nhân văn là báo chí thực hiện đúng chức trách, tôn chỉ mục đích, hoạt động theo pháp luật và có tính đến tác động của thông tin với độc giả và với chính nhân vật. Những tiêu cực trong hoạt động báo chí liên quan trực tiếp đến đạo đức nghề nghiệp - một phạm trù quan trọng của văn hóa. Khi nhà báo tác nghiệp với những hành vi không chuẩn mực, gắn với việc theo đuổi những lợi ích cá nhân, gắn với việc vụ lợi là hành vi phản văn hóa, để lại hình ảnh xấu. Cách làm này không chỉ gây tổn hại danh dự của người làm báo chân chính, còn làm suy giảm uy tín, vai trò của báo chí; nguy hại nhất là báo chí không còn giữ được bản chất văn hóa lành mạnh, tiến bộ, ảnh hưởng không tốt đến công cuộc xây dựng văn hóa và con người hiện nay.
Việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” cũng không ngoài mục đích góp phần nhân lên những giá trị tiến bộ, nhân văn trong hoạt động báo chí; qua đó động viên, khích lệ mỗi tòa soạn báo phấn đấu trở thành những điểm sáng về văn hóa, đồng thời góp phần tăng cường, nâng cao “sức đề kháng” của cơ quan báo chí chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài xã hội - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng nêu rõ.
Có thể nói, xây dựng văn hoá báo chí trong các cơ quan báo chí và đối với người làm báo hiện đại là yêu cầu cấp thiết trong thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay. Tuy nhiên việc này đòi hỏi một quá trình lâu dài, cần sự quyết tâm từ các cấp Hội Nhà báo địa phương, từng lãnh đạo các cơ quan báo chí và cần thiết nhất là bản thân từng cán bộ, phóng viên nhà báo./.