Dữ liệu cá nhân, đặc biệt là dữ liệu cá nhân của trẻ em, không chỉ là thông tin đơn thuần mà còn liên quan trực tiếp đến quyền riêng tư, tính an toàn và sự phát triển lành mạnh của trẻ.
Hội thảo "Bảo đảm an toàn dữ liệu cá nhân của trẻ em - Thực trạng và giải pháp" do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh cùng Tổ chức Taiwan Fund for Children and Families phối hợp đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 1/7. Liên quan chính sách, pháp luật của Việt Nam hiện nay về đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân của trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chỉ rõ trách nhiệm giám hộ người chưa thành niên (dưới 18 tuổi theo Luật Dân sự) và trẻ em (dưới 16 tuổi theo Luật Trẻ em) thực hiện các giao dịch, giao tiếp xã hội và pháp lý có sự tham gia của cha, mẹ, người giám hộ, người chăm sóc trẻ em.
Trên nguyên tắc lợi ích tốt nhất của trẻ em, quyền bí mật đời sống riêng tư, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, ông Đặng Hoa Nam cũng nhấn mạnh trẻ em là chủ thể dữ liệu cá nhân, thực hiện các quyền đối với dữ liệu cá nhân phù hợp với độ tuổi, sự phát triển và năng lực, hành vi của trẻ em.
“Việc xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của trẻ em và của cha, mẹ, người giám hộ, người chăm sóc trẻ em trừ trường hợp pháp luật có quy định cụ thể khác. Trường hợp ý kiến của trẻ em và cha, mẹ, người giám hộ khác nhau, việc xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em phải bảo đảm hài hòa các quyền của trẻ em, xem xét ý kiến trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Chia sẻ về tiêu chuẩn và một số thực hành tốt về đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân trẻ em trong các hoạt động trợ giúp trẻ em, ông Nguyễn Lữ Gia, đại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the children) cho rằng, việc xử lý dữ liệu cá nhân chỉ được tiến hành khi có một trong các điều kiện: Sự đồng ý của người trả lời (hoặc người đại diện hợp pháp cho trẻ em); đảm bảo thực hiện hợp đồng đã ký kết với người trả lời; tuân thủ yêu cầu của luật pháp; đáp ứng nhu cầu sống còn của người cung cấp thông tin và vì lợi ích hợp pháp của tổ chức.
Từ thực tiễn, ông Lữ Gia cũng chia sẻ kinh nghiệm cần có nhân viên phụ trách hoặc kiêm nhiệm công tác bảo vệ dữ liệu (DPO); đánh giá tác động và giảm thiểu rủi ro bảo vệ dữ liệu, đặc biệt khi triển khai các quy trình hoặc hệ thống mới.
Cùng quan điểm, bà Mai Thị Ngọc Mai, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh dữ liệu cá nhân, đặc biệt là dữ liệu cá nhân của trẻ em, không chỉ là thông tin đơn thuần mà còn liên quan trực tiếp đến quyền riêng tư, tính an toàn và sự phát triển lành mạnh của trẻ.
"Do vậy, để bảo vệ trẻ em ngày một tốt hơn, tôi cho rằng việc nâng cao nhận thức cộng đồng, xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, tăng cường hợp tác giữa các bên, từ nhà nước, tổ chức xã hội đến gia đình, chính các em là điều hết sức cần thiết và cấp bách trong tình hình hiện nay”, bà Mai khẳng định.
Tại hội thảo, bà Huang Ya-Ke, Trưởng đại diện tổ chức Taiwan Fund for Children and Families (TFCF) tại Việt Nam chia sẻ nhiều thông tin về hoạt động hỗ trợ trẻ em Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, y tế và dinh dưỡng và bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, thời gian qua, TFCF Việt Nam đã xây dựng “Phiếu đồng thuận cho hoạt động bảo trợ”, không chỉ nhằm tuân thủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, mà còn để đảm bảo trẻ em và người chăm sóc hiểu rõ, đồng ý về cách dữ liệu cá nhân của họ được thu thập, sử dụng.
Các đại biểu đã trao đổi về kết quả khảo sát đánh giá nhanh thực trạng xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em tại cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp trẻ em, thảo luận về thực trạng bảo đảm an toàn dữ liệu cá nhân của trẻ em hiện nay. Các đại biểu cũng đưa ra một số thực hành tốt và bài học kinh nghiệm trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân; giải pháp và kiến nghị hướng tới việc đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân của trẻ em…/.