Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
28 năm xây dựng và phát triển, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhân kỷ niệm Ngày thành lập ngành (16/02/1995-16/02/2023), Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ với báo chí về chặng đường 28 năm qua.
- Ông có thể chia sẻ về một số thành tựu nổi bật Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đạt được trong 28 năm qua?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo hướng bao phủ toàn dân là mục tiêu quan trọng, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. 28 năm qua, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã góp phần đưa các chính sách này ngày càng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực. Theo tôi, có thể điểm qua 6 kết quả nổi bật.
Thứ nhất, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cho người lao động và nhân dân tham gia, thụ hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách. Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã từng bước được hoàn thiện theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và mở rộng phạm vi bao phủ, quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng.
Chính sách bảo hiểm y tế đã bảo đảm cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hướng đến cải thiện chất lượng sức khỏe; giảm bớt gánh nặng tài chính khi sử dụng các dịch vụ y tế và làm giảm nguy cơ đói nghèo, đặc biệt đối với người nghèo, cận nghèo, người dân sống ở vùng sâu vùng xa, vùng miền núi.
Thứ hai, công tác truyền thông chính sách, pháp luật được coi trọng, đổi mới cả về nội dung, hình thức theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm chủ thể, đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán; triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh truyền thông trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, góp phần tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội trong suốt quá trình xây dựng, tổ chức, thực hiện chính sách; giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; truyền cảm hứng, giúp người dân hiểu giá trị, ý nghĩa nhân văn của chính sách để vận động tham gia lưới an sinh xã hội một cách chủ động hơn.
Thứ ba, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành, đó là mở rộng độ bao phủ, tiến tới mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân. Số người tham gia bảo hiểm xã hội là 17,5 triệu người, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi (số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng trên 7,5 lần so với năm 1995; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 250 lần so với năm 2008).
Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên hơn 14,3 triệu người năm 2022, tăng gần 2,4 lần. Số người tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên hơn 91,1 triệu người năm 2022, tăng 12,8 lần, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số - cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Thứ tư, công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Đặc biệt, chuyển đổi hiệu quả phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, việc giải quyết chế độ cho người tham gia căn cứ vào dữ liệu quản lý quá trình tham gia, đảm bảo nguyên tắc "đóng - hưởng"; phương thức hoạt động của hệ thống được đổi mới theo hướng phục vụ.
Từ năm 1995 đến hết năm 2022, toàn ngành đã giải quyết cho khoảng 136 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Từ năm 2010 đến hết năm 2022 phối hợp giải quyết cho gần 8,7 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Đến cuối năm 2022, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khoảng 3,3 triệu người. Từ năm 2003 đến 2022, toàn ngành phối hợp với các cơ sở y tế bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho trên 2.368 triệu lượt người.
Đáng chú ý, ngành đã chủ động và quyết liệt cùng các bộ, ngành tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đồng thời, tập trung huy động mọi nguồn lực, trên nền nguồn dữ liệu sẵn có để triển khai kịp thời các gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền hỗ trợ lên trên 47,2 nghìn tỷ đồng.
Thứ năm, Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đã trở thành các quỹ an sinh lớn nhất, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch. Quy mô các quỹ bảo hiểm tăng qua từng năm. Tỷ lệ chi từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội ngày càng tăng; tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước cho bảo hiểm xã hội ngày càng giảm, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng trong việc khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự bảo đảm an sinh xã hội.
Thứ sáu, công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành được đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt. Ngành đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu về xây dựng Chính phủ điện tử mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra.
- Ông đánh giá thế nào về những thay đổi mang tính “đột phá” trong công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số của ngành thời gian qua?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", chúng tôi đặc biệt coi trọng và đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ, từng bước hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; được các cấp các ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Việc chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, tác phong làm việc chuyển từ hành chính sang phục vụ của ngành đã được triển khai quyết liệt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Từ 263 thủ tục hành chính vào năm 2009, đến nay cắt giảm chỉ còn 25 thủ tục. Toàn bộ thủ tục được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; đồng thời từng bước tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Số giờ thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp giảm từ 335 giờ/năm vào năm 2015 xuống còn trên 100 giờ.
Chúng tôi đã đưa vào triển khai ứng dụng “VssID - bảo hiểm xã hội số” trên nền tảng thiết bị di động, hiện có trên 28 triệu tài khoản sử dụng để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách; sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID và thẻ căn cước công dân gắn chíp để đi khám, chữa bệnh... Tại Hội nghị ASSA lần thứ 38, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng “Thực tiễn hiệu quả” tại hạng mục công nghệ thông tin cho ứng dụng trên điện thoại thông minh “VssID - bảo hiểm xã hội số”.
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, công tác chuyển đổi số của ngành đã có những bước tiến vững chắc, mang lại những thay đổi đột phá, góp phần kiến tạo và xây dựng thành công ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam số theo đúng định hướng về Chính phủ số của Đảng, Nhà nước ta. Hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành liên tục được làm giàu, cập nhật với thông tin của trên 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với gần 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh; có khoảng 620 nghìn đơn vị đăng ký và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Hệ thống giao dịch điện tử và Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến/năm; thực hiện hơn 500 triệu xác thực và chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, địa phương… Đây là những tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên môi trường số; là nền tảng trong việc chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ Big Data, AI nhằm mục tiêu trở thành tổ chức an sinh xã hội hiện đại của ngành.
Thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là đơn vị đầu tiên kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức. Hệ thống đã xác thực trên 74,1 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, ngành đã cung cấp, chia sẻ gần 72,3 triệu lượt thông tin cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, trên 12,2 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp, với hơn 10,5 triệu lượt tra cứu phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Trong 4 năm liên tiếp, từ 2017 đến 2020, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được đánh giá là cơ quan triển khai hiệu quả và được xếp hạng 2 trong khối bộ, ngành, đứng thứ nhất bảng xếp hạng Chính phủ điện tử khối cơ quan thuộc Chính phủ. Mới đây, tại Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đứng thứ 3 trong Bảng xếp hạng và đứng đầu trong Khối cơ quan Trung ương thuộc Chính phủ.
Với nguồn cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên và hệ thống công nghệ thông tin phủ rộng, việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam với các bộ, ngành giúp chuẩn hóa dữ liệu, vừa phục vụ công tác quản lý, vừa phục vụ cho việc cải cách, liên thông thủ tục hành chính, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, vì quyền - lợi ích của người dân, đơn vị và doanh nghiệp. Đây cũng là minh chứng cho thấy công tác chuyển đổi số của ngành đang có hướng đi đúng, đem lại những kết quả tích cực, góp phần phục vụ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng tốt hơn.
- Để hoàn thành mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần tập trung những giải pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Chúng tôi xác định các giải pháp theo định hướng “kiến tạo” phải được toàn ngành triển khai với tinh thần chủ động, đồng bộ và toàn diện. Cụ thể, một là, tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW; Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW; các đề án, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức thực hiện có hiệu quả các luật liên quan.
Hai là, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tổ chức, thực hiện tốt các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; phát triển ngành phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội.
Ba là, tiếp tục đổi mới công tác truyền thông cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó tập trung vào nhóm người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo hộ gia đình và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bốn là, đảm bảo diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục phát triển một cách bền vững; giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người tham gia; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch được giao.
Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tiếp tục tăng cường và rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, đảm bảo tốt nhất quyền lợi và tăng mức độ hài lòng với người tham gia; tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy…
- Trân trọng cảm ơn ông!