Đông đảo cán bộ, đoàn viên người lao động quan tâm đến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và các vấn đề liên quan đến lương, thưởng, chăm lo Tết 2024.
TTXVN - Giai đoạn 2023- 2028, Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh và Công đoàn các khu chế xuất, công nghiệp Thành phố phối hợp tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật cho Công đoàn cơ sở; tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý nhằm kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên Công đoàn, công nhân viên chức lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp.
Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, đây là hoạt động có ý nghĩa, nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn nhằm giúp cán bộ, đoàn viên, người lao động hiểu rõ hơn, hành động theo đúng pháp luật. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, đông đảo cán bộ, đoàn viên người lao động quan tâm đến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và các vấn đề liên quan đến lương, thưởng, chăm lo Tết 2024.
Thời gian tới, hai bên đẩy mạnh trang bị kiến thức về Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Dân chủ cơ sở và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến người lao động. Cùng với đó, nắm bắt, giải quyết kịp thời bức xúc, khiếu nại của người lao động nhằm hạn chế tình hình tranh chấp lao động tập thể, cá nhân xảy ra tại các khu chế xuất, công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Chí Tâm đánh giá cao các hoạt động phối hợp giữa hai đơn vị giai đoạn 2017-2023, nhất là việc đa dạng hóa hình thức tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người lao động như: Tư vấn trực tiếp, qua email, điện thoại, trả lời thư, tư vấn lưu động và đã hình thành 6 Tổ tư vấn ở các khu chế xuất, công nghiệp.
Đặc biệt, hai bên thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức pháp luật trong hệ thống cán bộ Công đoàn; đa dạng hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên phương tiện truyền thông đại chúng, cấp phát tài liệu tuyên truyền về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật...Qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người lao động; đảm bảo việc làm, ổn định lao động, an ninh trật tự tại cơ sở doanh nghiệp và nơi cư trú của người lao động.
Để phát huy hơn nữa công tác chăm lo và trợ giúp pháp lý người lao động, ông Phạm Chí Tâm đề nghị, hai đơn vị tăng cường hiệu lực, hiệu quả, mở rộng Tổ tư vấn đến từng khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố; tập trung giải pháp tuyên truyền, trợ giúp pháp lý phù hợp, nhanh chóng, hiệu quả hướng đến hoàn thành nhiệm chung và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023-2028.
Khái quát hoạt động phối hợp giữa hai đơn vị giai đoạn 2017-2023, ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định qua công tác hỗ trợ giúp tổ chức Công đoàn nắm bắt kịp thời tình hình quan hệ lao động, tham gia giải quyết hiệu quả bức xúc, khiếu nại của người lao động, góp phần hạn chế tranh chấp lao động tập thể, cá nhân.
Hai đơn vị thường xuyên tổ chức tập huấn, hội thảo, tọa đàm cho cán bộ công đoàn về kỹ năng tư vấn pháp luật, kỹ năng tham gia tố tụng các vụ án lao động, kỹ năng tham gia thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể…
Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ pháp lý và giành lại quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho gần 200 công nhân tại Khu Công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh); hỗ trợ người lao động trong 9 vụ tranh chấp lao động cá nhân, có khởi kiện tại tòa án./.