Bên lề Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV: Sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng mong mỏi của toàn xã hội
Việc xem xét, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu mong mỏi không chỉ của ngành y tế mà của toàn xã hội.
(TTXVN) Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 5/1, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, những nội dung được xem xét tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 đều là những vấn đề quan trọng, cấp thiết, đã được cân nhắc, chuẩn bị kỹ lưỡng, như: Quy hoạch tổng thể quốc gia; sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh...
* Lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động khám, chữa bệnh
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cho biết, 5 nội dung được xem xét tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 đều là những vấn đề quan trọng, cấp thiết, đã được cân nhắc, chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong đó, việc xem xét, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu mong mỏi không chỉ của ngành y tế mà của toàn xã hội nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động khám, chữa bệnh; tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế.
Cũng cho ý kiến về dự thảo luật này, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: Chúng ta vừa trải qua đợt dịch COVID-19, qua đó đã cho thấy rất nhiều vấn đề, yếu tố cần sửa đổi để đáp ứng bối cảnh xã hội hiện nay, không chỉ là nhu cầu của người bệnh mà của cả toàn xã hội.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, tất cả những bất cập, khó khăn vướng mắc trong khám chữa bệnh cũng như hoạt động các cơ sở y tế, bệnh viện trong thời gian qua thì trong lần sửa đổi luật này đã đặt ra, nghiên cứu kỹ lưỡng và đề ra các giải pháp. Bên cạnh đó, những vấn đề được quan tâm như: Tài chính y tế, xã hội hóa y tế, tự chủ bệnh viện cũng được kỳ họp này xem xét, cho ý kiến. Hiện còn một số nội dung cần phải thảo luận lần cuối ở hội trường, cần được xem xét rõ ràng, toàn diện trước khi thông qua luật. Đại biểu cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sau khi được thông qua sẽ giải quyết những vấn đề đang đặt ra.
Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất báo cáo Quốc hội về việc chưa xem xét, thông qua dự thảo Luật này tại Kỳ họp thứ 4 để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Vì vậy, ngay sau Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp chặt chẽ với cơ quan trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan để tiếp thu, giải trình các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tiếp tục xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật; lấy ý kiến và tiến hành khảo sát tại địa phương về việc thực hiện chính sách khám bệnh, chữa bệnh và về tài chính, nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhiều ý kiến đóng góp cần tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân; khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh...
* Quy hoạch gắn phát triển kinh tế, xã hội với văn hóa
Cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Quốc hội đề nghị trong quy hoạch cần làm rõ hơn vấn đề về giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc; gắn phát triển kinh tế, xã hội cùng với yếu tố văn hóa.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đánh giá, các quy hoạch đã được lấy ý kiến rộng rãi, qua nhiều hội nghị, hội thảo; Chính phủ cũng chuẩn bị các tài liệu rất đầy đủ và đã được các đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng.
Theo đại biểu, việc quy hoạch tổng thể quốc gia có tầm nhìn dài hạn nên cần thể hiện đầy đủ mọi yếu tố, góc độ, trong đó văn hóa cũng là yếu tố có vị trí rất quan trọng. Với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, việc xây dựng các chương trình, kế hoạch cũng như quy hoạch thì phải gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
"Khi quy hoạch các nội dung, vùng miền... thì phát triển kinh tế, xã hội phải gắn với văn hóa. Nếu giữ được bản sắc văn hóa, bản sắc vùng miền thì quy hoạch sẽ đạt được chất lượng, hiệu quả" - nữ đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (dân tộc Mường) cho ý kiến./.
- Từ khóa:
- Quốc hội
- kỳ họp bất thường lần 2