Thời sự

Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Kết nối dữ liệu để tháo gỡ vướng mắc về phiếu lý lịch tư pháp

Lý lịch tư pháp của người dân nếu được cập nhật, kết nối với cơ sở dữ liệu dùng chung này thì các cơ quan chức năng có thể tra cứu, bớt thủ tục cho người dân.

TTXVN - Ngày 29/5, trao đổi bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu nêu ý kiến, giải pháp để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc liên quan đến phiếu lý lịch tư pháp là tăng cường kết nối dữ liệu để cải cách thủ tục hành chính, giảm thủ tục cho người dân.

Thời gian qua, ở nhiều địa phương, nhất là tại một số thành phố lớn xuất hiện tình trạng công dân phải xếp hàng, chờ đợi hàng giờ đồng hồ để thực hiện thủ tục hành chính, nộp hồ sơ xin cấp phiếu lý lịch tư pháp. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay có quá nhiều thủ tục, giao dịch đòi hỏi có phiếu lý lịch tư pháp, ngoài nhu cầu do học sinh, sinh viên nhập học, người lao động đi làm, còn là việc công ty, một số doanh nghiệp yêu cầu người lao động nộp phiếu lý lịch tư pháp... 

Về vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết, nếu không áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc nộp hồ sơ, cấp phiếu lý lịch tư pháp, sẽ gây bức xúc, phiền hà cho người dân. Hiện có tình trạng "lạm dụng" yêu cầu công dân, người lao động trình, nộp phiếu lý lịch tư pháp trong các giao dịch bình thường, thủ tục hành chính.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai). (Ảnh: Xuân Tùng/TTXVN)

"Chúng ta đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh điện tử,... để cung cấp, tra cứu thông tin công dân. Nhưng hiện có quá nhiều trường hợp, thủ tục yêu cầu phải có lý lịch tư pháp thì không hợp lý, không cần thiết" - đại biểu Trịnh Xuân An phân tích.

Đại biểu cho rằng, Bộ Tư pháp, nhất là các sở, cần rà soát, tháo gỡ vướng mắc, phiền hà cho người dân. Giải pháp là cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện thủ tục trực tuyến, áp dụng công cụ chuyển đổi số để cải cách hành chính.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, việc yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp có biểu hiện tràn lan, gây phiền hà cho công dân, người lao động; cần phân loại những trường hợp phải có phiếu lý lịch tư pháp, những trường hợp chỉ cần những thông tin công dân do cơ quan chức năng xác nhận. Bên cạnh đó, thời gian chờ đợi của công dân để nộp hồ sơ và nhận được phiếu cũng không ít, có những nơi, có thời điểm xảy ra ùn tắc.

Chúng ta đang hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; hiện đã có cơ sở dữ liệu về dân cư. Lý lịch tư pháp của người dân nếu được cập nhật, kết nối với cơ sở dữ liệu dùng chung này thì các cơ quan chức năng có thể tra cứu, bớt thủ tục cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). (Ảnh Xuân Tùng/TTXVN)

Về giải pháp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, phải rà soát những thủ tục hành chính, giao dịch dân sự cần thiết hay không cần thiết có lý lịch tư pháp. Bên cạnh đó là giải pháp thống nhất, kết nối được kho dữ liệu dùng chung trong cả nước, qua đó sẽ cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, giảm thiểu phiền hà cho người dân và đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc của cơ quan chức năng.

Hiện nay, thủ tục hành chính yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp là một trong 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Theo yêu cầu của Đề án 06, dịch vụ công thiết yếu cấp phiếu lý lịch tư pháp phải được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính các tỉnh, thành phố, kết nối khai thác dữ liệu công dân có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết thủ tục hành chính, công dân không phải cung cấp các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Phiếu lý lịch tư pháp là một loại giấy tờ được sử dụng nhằm đáp ứng yêu cầu của công dân cần chứng minh bản thân có án tích hay không, có bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã khi bị tòa tuyên bố phá sản không… Phiếu ghi nhận việc xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời hỗ trợ trong hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự. Do đó, nhu cầu về cấp phiếu lý lịch tư pháp của người dân ngày càng cao./.

Xuân Tùng

Tin liên quan

Xem thêm