Thành phố Đà Nẵng tiếp cận chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột chính là: Hạ tầng - Dữ liệu - Ứng dụng thông minh.
TTXVN - Ngày 26/5, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo chuyên đề chuyển đổi số, với chủ đề “Dữ liệu số - thách thức và định hướng”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng nhận định, thành phố Đà Nẵng tiếp cận chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột chính là: Hạ tầng - Dữ liệu - Ứng dụng thông minh. Trong đó, hạ tầng, dữ liệu là cơ sở, nền tảng; ứng dụng thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả. Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là “động lực”, là “chìa khóa” quan trọng để giải quyết các điểm nghẽn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Thành phố đề ra mục tiêu tổng quát: Triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số để điều chỉnh thể chế, cấu trúc lại quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; phát triển mạnh kinh tế số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp để hình thành công dân số, xã hội số.
Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, những năm qua, công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đã diễn ra đồng bộ, mạnh mẽ; cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã chủ động, tích cực tham gia, đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực. Cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được chú trọng đầu tư khá đồng bộ; hình thành một số cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành; triển khai cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước; phát triển các nền tảng số dùng chung và các ứng dụng, tiện ích thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, chuyển đổi số đã góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và quá trình phục hồi và phát triển kinh tế thành phố. Năm 2022, kinh tế số đóng góp 17,5% trong cơ cấu GRDP thành phố, ngành công nghiệp công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân trên 20%/năm)…
Tuy nhiên, so với mục tiêu, nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra, công tác triển khai chuyển đổi số trên địa bàn thành phố hiện còn gặp nhiều rào cản, vướng mắc liên quan đến chính sách, khung pháp lý, hạ tầng, dữ liệu, nguồn nhân lực... Nhất là dữ liệu số hiện còn rời rạc, chưa đảm bảo độ tin cậy, chất lượng chưa cao, tính khả dụng thấp; việc chia sẻ dữ liệu còn hạn chế...
Nêu một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình chuyển đổi số, ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho rằng, hiện nay cơ chế, chính sách, khung pháp lý chưa thay đổi kịp, đã trở thành rào cản, điểm nghẽn trong triển khai chuyển đổi số. Nhiều lỗ hổng bảo mật liên quan đến các hệ thống của địa phương được giao dịch trên thị trường nhưng địa phương chưa có khả năng tiếp cận, chưa có chuyên gia, lực lượng để thực hiện. Toàn thành phố còn khoảng 100.000 người dân sử dụng điện thoại 2G (chiếm khoảng 9% dân số). Nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan của thành phố mỏng, chưa đảm bảo năng lực trong tham mưu, triển khai, vận hành các hệ thống ứng dụng thông minh…
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số Quốc gia đề nghị, trong năm 2023, Đà Nẵng cần tổ chức triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình; thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên cả ba trụ cột ở tất cả các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn. Đà Nẵng cần ban hành đầy đủ các văn bản theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; có kế hoạch cung cấp dữ liệu mở; xây dựng danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố; đồng thời triển khai Năm dữ liệu của địa phương trên cơ sở kế hoạch Năm dữ liệu của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các nội dung quản trị, khai thác, chia sẻ dữ liệu theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP.
Theo báo cáo, hiện nay thành phố Đà Nẵng đã hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu nền như cơ sở dữ liệu công dân (hơn 1,3 triệu dữ liệu, đạt 100% dân số); cơ sở dữ liệu doanh nghiệp (gần 44.000 dữ liệu, đạt 100% doanh nghiệp); cơ sở dữ liệu nhân hộ khẩu; cơ sở dữ liệu cán bộ công chức viên chức (với hơn 33.600 dữ liệu, đạt 100%); cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính... Các cơ sở dữ liệu nền này được kết nối, chia sẻ dùng chung qua Nền tảng Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố. Ngoài ra, thành phố đã bước đầu hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu GIS. Các cơ quan, địa phương đã xây dựng 560 cơ sở dữ liệu và ứng dụng chuyên ngành./.