Góp phần không nhỏ trong thành công đó, có những cống hiến, đóng góp của Tiến sỹ Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng.
TTXVN - Thành phố Đà Nẵng luôn được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi số, được nhận hàng loạt giải thưởng trong nước, quốc tế về xây dựng Thành phố Thông minh, Chính quyền điện tử. Góp phần không nhỏ trong thành công đó, có những cống hiến, đóng góp của Tiến sỹ Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng.
* Xây dựng nền móng vững chắc cho chuyển đổi số
Sinh năm 1966 tại tỉnh Quảng Nam, từ ngày còn đi học, Tiến sỹ Nguyễn Quang Thanh đã luôn tâm huyết, tích cực trau dồi trong lĩnh vực toán - tin. Năm 2012, ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ với đề tài chuyên ngành “Bảo đảm Toán học cho máy tính và hệ thống thông tin”. Năm 2016, từ Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, ông được bổ nhiệm chức Giám đốc Sở. Từ đây, thành phố Đà Nẵng đã có những “bứt tốc” mạnh mẽ trong các giải pháp chuyển đổi số.
Tiến sỹ Nguyễn Quang Thanh chia sẻ: Quá trình chuyển đổi số của Đà Nẵng đã được khởi động từ năm 2003, khi Thành ủy Đà Nẵng có Nghị quyết về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, ban hành kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin giai đoạn từ 2003-2010. Tiếp đó, đến năm 2010, UBND thành phố ban hành kiến trúc về Chính phủ điện tử, giúp định hình quá trình phát triển chính quyền điện tử của Đà Nẵng hiện tại. Năm 2018, để phù hợp với công nghệ mới, thành phố ban hành kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0 nhằm xác định lại một số mục tiêu, kiến trúc làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử.
Tiến sỹ Nguyễn Quang Thanh cùng Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách nhằm triển khai xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Ông đã trực tiếp tham gia, tham mưu xây dựng Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông tiếp cận xu hướng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Nghị quyết của HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ phát triển Công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố; Nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, ông đã tham gia soạn thảo, xây dựng Đề án Chuyển đổi số tại thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đây là bộ khung cho sự tập trung phát triển 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Nhờ “nền móng” vững chắc là các cơ chế, chính sách, công cuộc chuyển đổi số tại thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Trong 11 năm liên tiếp (2009-2019), Đà Nẵng dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Index) khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong hai năm liên tiếp (2020 - 2021), Đà Nẵng được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, xếp hạng Nhất chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI). Trong ba năm liên tiếp (2020-2022), Đà Nẵng đoạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA).
Đà Nẵng đã được vinh danh tại các giải thưởng Quốc tế: Giải thưởng Thành phố thông minh hơn (Smarter Cities Challenge) năm 2012 do IBM tặng; Giải thưởng eAsia Awards 2013 của Hội đồng châu Á - Thái Bình Dương về thuận lợi hóa thương mại và kinh doanh điện tử; Giải thưởng WeGO Awards 2014 cho “Dự án phát triển Chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng” do Tổ chức Chính quyền điện tử thế giới trao tặng…
* Đẩy mạnh chuyển đổi số, mang lại lợi ích cho người dân
Đạt được nhiều thành tích nổi bật, Tiến sỹ Nguyễn Quang Thanh vẫn cho rằng, công cuộc chuyển đổi số hiện vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ và vượt qua. Thành phố Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung có quy mô kinh tế còn thấp, cần đánh giá rất kỹ càng trong lựa chọn giải pháp, quy mô đầu tư, hạng mục đầu tư và đầu tư vào lúc nào. Các văn bản quản lý nhà nước của các Bộ, ngành vẫn còn thiếu nhất quán, chưa hỗ trợ cho việc áp dụng công nghệ số. Cơ chế Sandbox chưa có hướng dẫn để hỗ trợ việc thí điểm, dẫn đến nguy cơ phá vỡ kiến trúc, làm chậm quá trình chuyển đổi số. Dữ liệu còn rời rạc, chưa được kết nối, liên thông, chia sẻ sử dụng chung giữa các bộ, ngành với địa phương....
Vì vậy, theo Tiến sỹ Nguyễn Quang Thanh, thành phố đang tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động để chuyển đổi số thực sự là động lực cho sự phát triển thành phố. Ngành xác định các nhiệm vụ chuyển đổi số phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ đưa vào sử dụng Cổng dữ liệu mở với gần 600 tập dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội với đa dạng kênh tra cứu, khai thác; bắt đầu sử dụng dữ liệu số thay cho hồ sơ giấy trong các dịch vụ công như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sổ hộ khẩu, Giấy đăng ký kinh doanh... Đà Nẵng đang dần hình thành Kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố phục vụ thu thập, tích hợp, làm sạch, chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan khai thác, sử dụng.
Đánh giá cao các thành tích đã đạt được của Tiến sỹ Nguyễn Quang Thanh cũng như Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh ghi nhận, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh là hành trình liên tục, lâu dài, đi từ thấp đến cao, trải qua nhiều giai đoạn trưởng thành và phát triển. Trong quá trình đó có sự tham gia, phối hợp đồng bộ, tổng thể của các sở, ngành, địa phương, trong đó Sở Thông tin và Truyền thông đóng vai trò chủ lực. Với những thành tích nổi bật trong quá trình công tác, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh đã vinh dự được nhận danh hiệu Điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023 trong lĩnh vực chuyển đổi số./.