Ngày Khoa học và Công nghệ 18/5: Chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp phát triển kinh tế biển
Hội thảo là cơ hội để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, các giải pháp, ý tưởng giải quyết những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong phát triển khoa học và công nghệ
TTXVN - Ngày 18/5, Hội thảo“Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển Khánh Hòa” đã được tổ chức tại thành phố Nha Trang.
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu khẳng định, địa phương đã có các chương trình đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ, đặc biệt là “khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển”. Kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị và hiệu quả; kinh tế xanh, tuần hoàn".
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh đã đưa ra các giải pháp cụ thể nghiên cứu về biển, ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm; ứng dụng công nghệ tách chiết và sản xuất các hợp chất thiên nhiên; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến, bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ; bảo tồn, khai thác hợp lý các hệ sinh thái đặc trưng, nguồn tài nguyên sinh vật biển.
Hội thảo là cơ hội để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, các giải pháp, ý tưởng giải quyết những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển của tỉnh. Đây là dịp khích lệ tinh thần đổi mới sáng tạo nhằm đưa khoa học và công nghệ nhanh chóng trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, phát huy đúng vai trò chủ đạo trong công cuộc xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh, thân thiện.
Lấy kinh tế biển làm trọng tâm, tỉnh Khánh hòa cần đẩy mạnh và phát triển đa dạng các ngành kinh tế biển nhưng vẫn chú trọng phát triển theo hướng bền vững. Đó là một phần nội dung trong tham luận Ứng dụng trí tuệ nhân tạo Milu trong việc phát triển kinh tế biển tỉnh Khánh Hòa do Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trình bày. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân nêu bật những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo vào việc quản lý và khai thác tài nguyên biển, hỗ trợ đào tạo nghề cá, hỗ trợ người dân kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế biển.
Cùng quan điểm về việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số, Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công viên phần mềm Quân đội ASP đã đề xuất giải pháp kỹ thuật hỗ trợ lái tàu đánh bắt hải sản an toàn với các tính năng phát hiện nồng độ cồn, phát hiện lái tàu ngủ gật, giám sát lái tàu và các thông số (vận tốc, vị trí, nồng độ cồn, trạng thái lái tàu). Ngoài ra, tham số môi trường như nhiệt độ, độ ẩm trên tàu cũng được giám sát… Kết quả thử nghiệm cho thấy, hệ thống do đơn vị nghiên cứu đã phát hiện nhanh chóng các trường hợp ngủ gật ở các tư thế đầu khác nhau, trong các trường hợp ánh sáng thay đổi hoặc lái tàu có đeo kính trắng.
Đặt vấn đề và trình bày về quản lý bệnh trong các trang trại thủy sản, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhân lực và tăng hiệu quả quản lý trong quá trình nuôi, nhóm chuyên gia của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sense đã trình bày tham luận “Định danh cá và phát hiện bệnh lý trên cá bằng công nghệ AI”. Theo đánh giá của các đại biểu dự hội nghị, tham luận này sẽ góp phần giúp các hộ nuôi, doanh nghiệp nhỏ nuôi thủy sản giảm sát và kịp thời đánh giá dấu hiệu bệnh trên thủy sản nhằm hạn chế lây lan; kịp thời hỗ trợ các cơ quan chức năng thu thập thông tin, quản lý tốt tình hình nuôi thủy sản trên địa bàn.
Dịp này, 7 cán bộ khoa học và công nghệ, nhà khoa học được nhận Kỷ niệm chương “Vì Sự nghiệp khoa học và công nghệ”, “Vì sức khỏe nhân dân”./.