Hội thảo khoa học do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nhằm đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học và tham mưu tư vấn chính sách phát triển Viện Hàn lâm.
TTXVN - Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, sáng 18/5, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trong quá trình 70 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ nhà khoa học của Viện Hàn lâm luôn miệt mài, say sưa nghiên cứu khoa học, truyền bá tri thức khoa học. Các công trình khoa học đang làm giàu thêm kho tàng tri thức khoa học, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, qua đó có nhiều đóng góp thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm còn gặp nhiều khó khăn và có một số hạn chế, bất cập. Chất lượng của một số công trình nghiên cứu chưa cao; các sản phẩm nghiên cứu phục vụ trực tiếp cho việc hoạch định đường lối, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và chính quyền địa phương còn ít, chất lượng chưa đồng đều, có lúc chưa kịp thời, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của hoạt động lãnh đạo, quản lý, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác quản lý khoa học còn nặng về thủ tục hành chính, chưa phục vụ đắc lực cho các hoạt động nghiên cứu…
Do vậy, Hội thảo này có ý nghĩa cấp thiết nhằm mục đích đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học và tham mưu tư vấn chính sách của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện.
Đánh giá việc thực hiện quy chế quản lý khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Lan Hương, Ban Quản lý khoa học, thực hiện quy chế quản lý khoa học còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như chưa bao phủ hết các loại hình: đề tài đang có ở Viện, đề tài cấp Bộ, đề tài thuộc Chương trình cấp Bộ trọng điểm; đề tài thuộc kinh phí các bộ, ngành, địa phương, đề tài đột xuất, quản lý các đề tài cấp nhà nước đặt Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đề tài Nghị định thư, đề án cấp quốc gia ….
Tiến sỹ Trần Thị Lan Hương kiến nghị, thời gian tới Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần đổi mới tổng thể và toàn diện quy chế quản lý khoa học của Viện Hàn lâm trên cơ sở kế thừa các nội dung của quy chế hiện hành, khắc phục tồn tại hạn chế của quy chế cũ nhưng vẫn đảm bảo đúng luật và an toàn trong công tác quản lý khoa học của Ban Quản lý khoa học. Xây dựng phần mềm quản lý khoa học để lưu trữ, cập nhật, chia sẻ kết quả nghiên cứu và chuyên gia; bổ sung phương thức tuyển chọn đề tài cấp Bộ trong các Chương trình cấp Bộ trọng điểm, các đề án chương trình địa phương, các nguồn kinh phí của Bộ, ngành khác để tạo môi trường học thuật vừa đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, tạo sân chơi rộng rãi cho các nhà khoa học. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính và sản phẩm đầu ra đối với hệ đề tài cấp cơ sở; giao quyền tự chủ, tự quyết định hệ đề tài cấp cơ sở cho thủ trưởng đơn vị tổ chức chủ trì; có cơ chế khuyến khích, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân đã tăng cường mở rộng các kênh hợp tác khoa học với các bộ, ngành địa phương và doanh nghiệp....
Nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu để cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Đình Hải, Viện nghiên cứu con người, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất một số giải pháp chủ yếu như: Tăng cường năng lực nghiên cứu cho các cơ sở nghiên cứu; nhân lực công tác nghiên cứu này phải chọn “tinh”, lấy chất lượng làm đầu, phải tổ chức các nhóm mạnh theo từng lĩnh vực, ngành cụ thể để thực hiện các “đặt hàng”; thể chế trong cả nghiên cứu, cung cấp lẫn sử dụng cần được bổ sung, đổi mới, cải cách; tạo cơ chế “kết nối”, “liên thông” một cách hữu hiệu hơn giữa các cơ quan trong phạm vi cả nước về việc nghiên cứu, cung cấp, sử dụng các luận cứ, thông tin, kiến thức hoạch định chủ trương, chính sách, điều hành và quản lý xã hội. Cải cách mạnh mẽ thiết chế tổ chức, giao quyền, nhiệm vụ, trách nhiệm tự chủ cho các tổ chức, cơ quan, nhóm nghiên cứu phục vụ cung cấp…
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận một số vấn đề về giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học; tháo gỡ rào cản để phát huy các nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học; giải pháp khơi thông nguồn đề tài và đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học; giải pháp tăng cường phối hợp trong nghiên cứu khoa học giữa các đơn vị thuộc, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; xây dựng môi trường nhằm tạo động lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học.../.
- Từ khóa:
- Giải pháp
- nghiên cứu khoa học