Khoa học

Kết nối và chia sẻ dữ liệu là nền móng xây dựng chính quyền số

Việt Nam đặt ra mục tiêu đến hết năm 2023 có 100% các cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, hơn 10 bộ, ngành, địa phương xây dựng Cổng dữ liệu mở.

TTXVN - Hội thảo về "Kết nối, chia sẻ dữ liệu phát triển Chính phủ, Chính quyền số" đã diễn ra ngày 25/5 tại Hà Nội trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2023.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông tin về thực trạng kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Về cơ sở pháp lý, Nghị định 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước ban hành ngày 9/4/2020 đã quy định rõ quy trình kết nối, thẩm quyền chia sẻ, quản trị dữ liệu, giải quyết vướng mắc và một số vấn đề liên quan đến dữ liệu mở. Về mặt kỹ thuật, Việt Nam đã xây dựng được Khung kiến trúc Chính phủ điện tử, trong đó có các mô hình tham chiếu, mô hình kết nối, tiêu chuẩn dữ liệu, các yếu tố kỹ thuật, công nghệ và hệ thống trung gian nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ, cấp tỉnh (NGSP/LGSP).

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Phú Tiến chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN  phát)

Việt Nam đặt ra mục tiêu đến hết năm 2023 có 100% các cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, hơn 10 bộ, ngành, địa phương xây dựng Cổng dữ liệu mở. Trên Cổng dữ liệu quốc gia tại địa chỉ Data.gov.vn có hơn 10.000 tập dữ liệu để các đơn vị chia sẻ và khai thác. Tuy nhiên, việc xây dựng thể chế, kết nối chia sẻ nguồn dữ liệu quốc gia hiện còn nhiều vướng mắc...

Hiện tại, các bộ, các tỉnh, thành phố đã xây dựng được Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (NDXP) do các cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin triển khai, quản lý. Các nền tảng này sẽ được tích hợp trên quy mô quốc gia để có sự liên thông dữ liệu giữa các bộ, các tỉnh, thành phố.

Chia sẻ về khó khăn khi thực hiện kết nối và khai thác dữ liệu của địa phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Võ Thị Trung Trinh đề cập đến hệ thống văn bản hướng dẫn chuyên ngành và kỹ thuật từ Trung ương chưa đầy đủ, quy trình, thủ tục đầu tư chậm, nhiều khó khăn khi thí điểm công nghệ mới cũng như sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh Võ Thị Trung Trinh phát biểu. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, khi xây dựng hệ thống chia sẻ dữ liệu, các đơn vị, địa phương cần huy động tối đa nguồn lực chuyên gia, tổ chức xã hội để thực hiện mục tiêu, tận dụng và phát huy vai trò của Khung kiến thức Chính quyền điện tử để giải quyết bài toàn tổng thể về kết nối, chia sẻ dữ liệu. Để thành công, trong quá trình thực hiện, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai có giai đoạn, đồng bộ thống nhất và có trọng tâm, trọng điểm trong các hạng mục, phần việc. Bên cạnh đó, giải pháp thuê dịch vụ công nghệ thông tin được địa phương sử dụng để tiết kiệm nguồn lực và đạt được mục tiêu.

Dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng trong thời đại công nghệ. Việc tạo ra và khai thác dữ liệu số được xác định là yếu tố cốt lõi cũng như tạo ra sự khác biệt chính cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. Để khai thác dữ liệu hiệu quả thì cần đồng bộ dữ liệu từ tất cả các cấp, đảm bảo dữ liệu ở mọi định dạng có thể liên kết, bổ sung cho nhau tạo nên một cơ sở dữ liệu lớn tập trung và đầy đủ thông tin. Theo đánh giá của chuyên gia công nghệ, hiện nay thị trường dữ liệu ở Việt Nam chủ yếu do các công ty nước ngoài nắm giữ, chiếm khoảng 70-80% thị phần. Các giải pháp nước ngoài thường có chi phí lớn và chưa thực sự tối ưu với các bài toán dữ liệu đặc thù của Việt Nam, do đó các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần làm chủ công nghệ, đẩy nhanh nghiên cứu, phát triển sản phẩm, giải pháp "Make in Vietnam" để tiếp cận, khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu quốc gia.

Chủ tịch HĐQT Công ty công nghệ FSI Nguyễn Hùng Sơn chia sẻ. (Ảnh: TTXVN phát)

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và phát triển công nghệ FSI Nguyễn Hùng Sơn chia sẻ về nền tảng lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn toàn diện FSI Data Platform. Đây là giải pháp công nghệ cho phép kết nối dữ liệu đa nguồn, không phụ thuộc đơn vị quản lý nguồn dữ liệu gốc, không làm gián đoạn vận hành hệ thống hiện tại, đồng thời có khả năng lưu trữ tất cả các định dạng dữ liệu, hệ quản trị cơ sở dữ liệu hiện hành với khả năng mở rộng dễ dàng, không yêu cầu thiết bị phần cứng chuyên biệt. Nhiều diễn giả cũng chia sẻ kinh nghiệm phối hợp giữa các địa phương khi triển khai tích hợp và chia sẻ dữ liệu, cách thức ứng dụng nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu để thúc đẩy chuyển đổi số.../.

Ngọc Bích

Xem thêm