Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực
Thể chế và hiệu lực của thể chế có vai trò quan trọng và quyết định đối với sự phát triển của tất cả các quốc gia.
Chia sẻ bên lề Kỳ họp thứ 9 sáng 28/5, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những nội dung đã được Quốc hội thực hiện trong 20 ngày qua.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cho rằng, trải qua thời gian làm việc tích cực và hiệu quả, Quốc hội sắp hoàn thành chương trình của Đợt 1, Kỳ họp thứ 9 theo kế hoạch với tinh thần rất khẩn trương, trong đó có những quyết sách hết sức quan trọng, thực hiện kịp thời Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Các đại biểu cũng đã tích cực thảo luận, đưa ra góp ý, trong đó có những vấn đề về khoa học, công nghệ đang được dư luận rất quan tâm như các dự thảo: Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo..., nhằm nhanh chóng thể chế hóa các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước. Đại biểu khẳng định, những văn bản này khi được ban hành sẽ "cởi trói" cho nhiều hoạt động trên một số lĩnh vực.
Việc tạo điều kiện thuận lợi nhất về thể chế để công tác quản lý nhà nước đóng vai trò kiến tạo phát triển và huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Thể chế và hiệu lực của thể chế có vai trò quan trọng và quyết định đối với sự phát triển của tất cả các quốc gia. Trong đó, vai trò của thể chế phụ thuộc lớn vào chất lượng của hệ thống pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Anh Dũng (Nam Định) chia sẻ thêm, hàng loạt lãnh đạo các quốc gia lớn đến Việt Nam trong thời gian qua đã mở ra cơ hội cho đầu tư rất lớn cho thị trường của chúng ta. Các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật cũng ngày càng cởi mở theo hướng thuận lợi hơn.
Theo đại biểu tỉnh Nam Định, mục đích cuối cùng là làm sao phát huy được nguồn lực, tháo gỡ được những vướng mắc từ thể chế, từ thực hiện trách nhiệm giải trình của các bên và đặc biệt là không để bị lợi dụng chính sách. Chúng ta đã đưa được nguồn lực vào phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển con người, phát triển công nghệ là những yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.
Phân tích về những cơ chế, chính sách đối với nguồn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho biết, khi triển khai các dự án lớn, nhất là những dự án công nghệ của nước ngoài, chúng ta phải từng bước nội địa hóa, phát huy hiệu quả. Trên cơ sở đó tạo ra sự lan tỏa của dự án đến tất cả các lĩnh vực, nền kinh tế, cũng như các ngành phụ trợ có liên quan vì hầu hết các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài đều tính toán dựa trên hiệu quả kinh tế. Khi nhà đầu tư nước ngoài thấy việc chuyển giao công nghệ đem lại lợi ích cho tất cả các bên thì mọi việc sẽ diễn ra thuận lợi và hiệu quả.
"Nếu chúng ta tìm mọi cách để đạt được mục tiêu chuyển giao công nghệ nhưng khi về thị trường của Việt Nam lại không thực sự phát huy được hiệu quả thì cũng sẽ là lãng phí. Quan trọng nhất vẫn là phải tính toán để tối đa hóa lợi ích và hiệu quả của từng dự án", đại biểu nhấn mạnh.
Đánh giá về hiệu quả của việc phát huy vai trò của thể chế trong thời gian gần đây, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) lấy ví dụ về vấn đề nhà ở xã hội đang được nhân dân rất quan tâm và mục tiêu hoàn thành 1 triệu căn nhà xã hội đã đặt ra từ lâu nhưng vẫn chưa đạt được. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội đã đưa ra một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng nhà ở xã hội nhanh hơn. Đại biểu cho rằng, hiệu quả nhất là quá trình xây dựng, chủ trương đầu tư, phê duyệt các loại quy hoạch và các thủ tục đầu tư đã được đơn giản hóa giúp cho tiến độ thực hiện dự án nhanh hơn.
“Trước đây chúng ta đã có quỹ đất nhưng phải trải qua các bước lập kế hoạch rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Dự thảo Nghị quyết lần này đã có những cơ chế rất phù hợp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quy định trước đây, được các đại biểu và cử tri rất đồng tình ủng hộ”, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nêu ý kiến.
Cũng bên hành lang Quốc hội, nhắc đến vai trò của báo chí trong quá trình hội nhập, đặc biệt là tuyên truyền những chính sách của Đảng, Nhà nước, đại biểu cho rằng, trong thời gian vừa qua báo chí là một công cụ hữu hiệu đưa những chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội ngày càng đến gần hơn với nhân dân.
"Những thông tin nhanh chóng, chính xác luôn được cập nhật và cung cấp đến cho người dân một cách rất kịp thời", đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu cũng khẳng định vai trò quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam trong việc phát hiện và đấu tranh với những vấn đề gần đây như "thực phẩm bẩn", thực phẩm chức năng giả..., giúp cho người dân phân biệt và né tránh kịp thời. Theo đại biểu, báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò tích cực của mình theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn nữa, không chỉ trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân mà còn là công cụ đấu tranh phòng, chống tiêu cực thời gian tới./.