Mỗi năm, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám trung bình gần 600.000 lượt bệnh nhân ngoại trú, tiếp nhận và điều trị gần 50.000 lượt bệnh nhân nội trú.
TTXVN - Ngày 23/11, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm thành lập (1903-2023). Đây là một trong những bệnh viện có tuổi đời lớn nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực phía Nam nói chung.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được thành lập năm 1903, tiền thân là một trạm y tế chữa trị miễn phí cho cộng đồng người Hoa. Đến năm 1919, trạm được xây dựng quy mô lớn hơn với tên gọi Y viện Quảng Đông, hoạt động theo mô hình bệnh viện tư nhân cho đến sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Năm 1978, Y viện Quảng Đông được công lập hóa theo chủ trương của Chính phủ và một thời gian sau được đổi tên thành Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Đến nay, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là một trong những bệnh viện đa khoa hạng I của Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi năm, bệnh viện khám trung bình gần 600.000 lượt bệnh nhân ngoại trú, tiếp nhận và điều trị gần 50.000 lượt bệnh nhân nội trú. Với thế mạnh trong điều trị nội - ngoại thần kinh, nội tiết, chấn thương chỉnh hình, tiêu hóa, lọc máu, chạy thận, Bệnh viện thu hút rất nhiều bệnh nhân trên địa bàn Thành phố và các tỉnh thành khác.
Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, trong chặng đường 120 năm qua, nhất là 20 năm gần đây, Bệnh viện luôn năng động phát triển, đổi mới sáng tạo, xây dựng bệnh viện theo hướng tiên tiến hiện đại, nhiều trang thiết bị, trung tâm chuyên sâu, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đặt mục tiêu vươn tới những tiêu chuẩn cao của quốc tế, tiếp cận những kỹ thuật chữa bệnh khó và mới của thế giới như đưa vào hoạt động Trung tâm Lọc máu theo tiêu chuẩn Nhật Bản đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh viện cũng là đơn vị đầu tiên của Việt Nam thực hiện kỹ thuật kích thích não sâu đối với bệnh nhân Parkinson… Bên cạnh đó, Bệnh viện thành lập đơn vị điều trị chậm tăng trưởng và bắt đầu triển khai kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo).
Đặc biệt, trong quá trình phát triển 120 năm qua, Bệnh viện luôn đề cao tinh thần nhân ái “không để ai bị bỏ lại phía sau, không từ chối điều trị bất cứ bệnh nhân nào, nhất là bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn”. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sớm hình thành được hệ sinh thái hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn như: Khi nhập viện cấp cứu, người bệnh không mang tiền sẽ được tạm ứng 5 triệu đồng; chương trình “Đĩa cơm trên tường” và bếp ăn tình thương trao suất ăn miễn phí cho bệnh nhân và người nhà có hoàn cảnh khó khăn; các hoạt động hỗ trợ khác về sinh hoạt thiết yếu, nâng đỡ tinh thần, gian hàng chia sẻ yêu thương, chuyến xe nghĩa tình… đã mang đến sự hỗ trợ cần thiết cho nhiều người bệnh.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân Thành phố, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng suốt quá trình phát triển 120 năm qua, trải qua bao thăng trầm lịch sử, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vừa làm chứng nhân của thời cuộc vừa tham gia vào đời sống xã hội một cách tích cực, đóng góp phần khiêm tốn của mình vào việc chăm sóc sức khỏe người dân thuộc mọi thành phần trong xã hội.
Ông Dương Anh Đức nhấn mạnh, hiện nay Thành phố bước vào giai đoạn phục hồi sau COVID-19 nhưng cũng phải đương đầu với nhiều mối đe dọa từ dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu và chiến tranh… Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh mong mỏi tập thể y bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nói riêng và toàn thể ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nói chung tập trung cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh, đào tạo nhân lực hướng đến phát triển y tế kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người bệnh trong, ngoài nước.
Nhân dịp này, Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước; nhiều tập thể, cá nhân khác của Bệnh viện được khen thưởng, khích lệ từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND Thành phố Hồ Chí Minh./.