Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Phát triển nền điện ảnh Việt Nam "dân tộc, hiện đại, nhân văn, hội nhập"
Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn: Trong thời gian tới, các nhà làm điện ảnh bằng tài năng, tâm huyết của mình sẽ làm nên nhiều tác phẩm lớn hơn nữa.
TTXVN - Lễ Kỷ niệm trọng thể 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15/3/1953-15/3/2023) được tổ chức ngày 15/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương đã dự buổi lễ cùng các nhà điện ảnh lão thành từng là phóng viên chiến trường, công tác chiếu bóng thuộc Điện ảnh Quân đội nhân dân, Xưởng phim Thời sự - Tài liệu, Điện ảnh Giải phóng, Điện ảnh Đặc khu Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn Y4, Điện ảnh khu V và đại diện các thế hệ người làm công tác điện ảnh.
* Hướng tới nền công nghiệp điện ảnh hiện đại, hội nhập
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương những thành tựu to lớn của điện ảnh cách mạng Việt Nam trong 70 năm qua, trân trọng nỗ lực của toàn ngành điện ảnh để tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến văn hóa, văn học nghệ thuật, trong đó có điện ảnh với mục tiêu xây dựng điện ảnh Việt Nam theo hướng công nghiệp hiện đại, hội nhập, mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ tốt hơn nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Để góp phần tiếp tục phát triển sự nghiệp điện ảnh trong bối cảnh kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp trên tinh thần quán triệt đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị ngành điện ảnh tập trung khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác quản lý nhà nước cũng như công tác hội, phát huy tiềm năng sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, hội viên. Hội Điện ảnh Việt Nam cần làm tốt vai trò phản biện xã hội, đề xuất ý kiến với các cơ quan quản lý để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành điện ảnh.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật; triển khai thực hiện Luật Điện ảnh, đồng thời thực hiện Chiến lược quy hoạch và phát triển điện ảnh theo hướng hiện đại, đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng tốt nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân...
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: Năm 2025, chúng ta sẽ tổ chức 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm thành lập nước, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổng kết 50 năm văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam và nhiều sự kiện quan trọng khác. Do đó, ngành điện ảnh cần phát huy truyền thống vẻ vang, tăng cường đoàn kết, huy động tiềm năng sáng tạo của đội ngũ, tranh thủ tối đa các nguồn lực xã hội để xây dựng thành công một nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam theo hệ tiêu chí cơ bản: dân tộc, hiện đại, nhân văn, hội nhập.
"Đó sẽ phải là một ngành văn hóa kinh tế mũi nhọn với năng lực sản xuất cao, thị trường năng động để có thể tạo ra lượng sản phẩm điện ảnh dồi dào, đáp ứng nhu cầu giáo dục, nâng cao nhận thức về tư tưởng và thẩm mỹ, vừa thỏa mãn nhu cầu giải trí lành mạnh và ngày càng cao của nhân dân", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, các nhà làm điện ảnh bằng tài năng, tâm huyết của mình sẽ làm nên nhiều tác phẩm lớn hơn nữa, xứng đáng hơn nữa với sự nghiệp đổi mới, góp phần xây dựng, phát huy giá trị sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tin tưởng rằng: Điện ảnh cách mạng Việt Nam sẽ vững vàng hội nhập, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đồng thời có nhiều đóng góp xứng đáng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa cho sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng nền văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể trao và Du lịch Tạ Quang Đông cũng nêu rõ: Trong 10 năm trở lại đây, ngành điện ảnh Việt Nam đã kịp thời nắm bắt thời cơ trong đổi mới và hội nhập quốc tế, tổ chức thực hiện những dự án sản xuất, phát hành phim theo mô hình xã hội hóa, đã có những thành công đáng khích lệ về ý nghĩa xã hội và kinh tế. Nhiều tác phẩm điện ảnh đã góp phần quảng bá thiết thực, sâu sắc về văn hóa và du lịch Việt Nam, tạo cơ hội thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam hợp tác sản xuất và phát hành phim.
Ngành điện ảnh Việt Nam đã thực hiện tốt việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách để khuyến khích phát triển điện ảnh. Đây cũng là ngành nghệ thuật đầu tiên đã xây dựng thành công Luật Điện ảnh từ năm 2006 (sửa đổi năm 2009). Đến năm 2022, Luật Điện ảnh mới đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, góp phần tạo động lực, chính sách khuyến khích phát triển hoạt động điện ảnh trên cả nước; tạo môi trường thuận lợi để các nghệ sỹ sáng tạo, đóng góp cho nền nghệ thuật điện ảnh nước nhà nhiều tác phẩm xuất sắc, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hoạt động điện ảnh tại Việt Nam nhiều hơn.
Thời gian tới, ngành điện ảnh cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những vấn đề cấp thiết, phù hợp để điện ảnh Việt Nam phát triển toàn diện, bền vững trong các lĩnh vực sản xuất, phát hành và phổ biến phim, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân...
* 70 năm đồng hành cùng dân tộc
Ngày 15/3/1953 tại thôn Bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên ATK chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam, chính thức khai sinh Ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam. Trước đó, từ năm 1947, trong hoàn cảnh giặc Pháp vây hãm, truy lùng các nhà điện ảnh của chúng ta đã có những hoạt động tác nghiệp tại khu 8 Bưng biền - Nam Bộ và sang năm 1948 cho ra đời bộ phim tài liệu đầu tiên “Trận Mộc Hóa“ do nhà điện ảnh Mai Lộc đạo diễn. Năm 1951, đạo diễn Mai Lộc và một nhóm các nhà quay phim đã từ Nam Bộ ra Việt Bắc để chuẩn bị cho việc thành lập lực lượng điện ảnh mà Sắc lệnh 147/SL của Bác ký 2 năm sau (1953) đã hiện thực hóa khát vọng của các nhà điện ảnh cách mạng.
Từ sau mốc thời gian lịch sử đó, đến nay điện ảnh cách mạng Việt Nam đã đi qua chặng đường dài 70 năm đồng hành cùng đất nước và dân tộc. Điện ảnh Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cùng với sự nghiệp cách mạng và có nhiều đóng góp xuất sắc cho nền văn học nghệ thuật nước nhà; từng bước xác lập được vị thế trong đời sống văn học - nghệ thuật đất nước và tạo nên vị thế trên trường quốc tế về một nền điện ảnh tiên tiến, nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc.
Với những nỗ lực và đóng góp, ngành điện ảnh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý. Các danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đã được Nhà nước trao tặng nhiều nghệ sỹ điện ảnh, tác phẩm, từ thế hệ các nghệ sỹ lão thành cách mạng thuộc Điện ảnh Bưng Biền-Nam Bộ, Điện ảnh Đồi Cọ Việt Bắc, đến thế hệ các nghệ sỹ điện ảnh trên chiến trường chống Mỹ cứu nước, thời kỳ xây dựng đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế.
Trong bước chuyển của nền kinh tế đất nước theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, điện ảnh Việt Nam đang thích ứng và nỗ lực huy động tiềm năng sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ, tranh thủ tối đa các nguồn lực xã hội, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước phấn đấu xây dựng nền công nghiệp điện ảnh đáp ứng yêu cầu giáo dục, nâng cao nhận thức về tư tưởng, thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh và ngày càng cao của công chúng.
Kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Hội Điện ảnh Việt Nam phối hợp tổ chức một số hoạt động nhắc lại lịch sử vẻ vang của điện ảnh cách mạng và khích lệ người làm công tác điện ảnh vững bước vào thời kỳ phát triển mới.
Cụ thể, trong tháng 2/2023, Cục Điện ảnh đã tổ chức “Tuần phim chào mừng 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam” giới thiệu tới công chúng nhiều tác phẩm mới, trong đó có nhiều phim truyện, tài liệu về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng. Cục Điện ảnh cũng chủ trì biên soạn, ấn hành cuốn Kỷ yếu “70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam (1953-2023) - Hệ thống tổ chức ngành điện ảnh” làm món quà ý nghĩa dành tặng các nhà điện ảnh và những ai quan tâm, yêu mến Điện ảnh Việt Nam.
Tạp chí “Thế giới Điện ảnh” của Hội Điện ảnh Việt Nam xuất bản số đặc biệt về 70 năm điện ảnh cách mạng. Các chi hội tổ chức những cuộc gặp mặt với nhà điện ảnh lão thành, chiếu một số phim truyện, tài liệu, hoạt hình tiêu biểu các thời kỳ do Trung ương Hội cung cấp.
Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương hoàn thành bộ phim tài liệu dài 40 phút “Bác Hồ với Điện ảnh” nói về tình cảm sâu sắc của Bác Hồ với nghệ sỹ điện ảnh và nghệ sỹ điện ảnh với Bác Hồ.
Nhân dịp này, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Cục Điện ảnh và Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cùng tổ chức chuyến đi cho các đại biểu, nghệ sỹ, người làm công tác điện ảnh, nhiếp ảnh về thăm khu di tích Điện ảnh Đồi Cọ; dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập ngành.../.