Đây là lần đầu tiên tác phẩm nổi tiếng này được thể hiện bằng hình thức nhạc kịch kết hợp nghệ thuật thị giác tại Việt Nam. Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ trình diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Marc - Oliver Dupin.
TTXVN - Chương trình “Trình diễn âm nhạc Hoàng tử bé” do Nhà hát Lớn Hà Nội (Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật và sự kiện văn hóa) phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức ngày 23 - 24/6 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là hoạt động trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (12/4/1973 - 12/4/2023), 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2013 - 2023).
Chương trình sẽ có sự kết hợp của thị giác và âm thanh, với phần biểu diễn âm nhạc cùng dàn nhạc, diễn tấu bằng lời kể chuyện lấy từ các trích đoạn của nhạc kịch “Hoàng tử bé”. Cụ thể, nhạc kịch "Hoàng tử bé" của nhà soạn nhạc Pháp Marc-Olivier Dupin thực hiện sẽ được trình diễn kết hợp với phần minh họa bằng tranh vẽ của họa sỹ Joann Sfar.
Đây cũng là lần đầu tiên tác phẩm nổi tiếng này được thể hiện bằng hình thức nhạc kịch kết hợp nghệ thuật thị giác tại Việt Nam. Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ trình diễn dưới sự chỉ huy trực tiếp từ nhạc trưởng Marc - Oliver Dupin, cùng với sự tham gia của nghệ sỹ Hứa Thanh Tú.
Tác phẩm “Hoàng tử bé” có tên tiếng Pháp là "Le Petit Princedo" do tác giả Antoine de Saint Exupéry viết và vẽ minh họa, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1943 tại New York (Hoa Kỳ) bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Năm 2023 đánh dấu 80 năm ra đời của tác phẩm “Hoàng tử bé”. Đây cũng được coi là một hiện tượng của ngành Xuất bản thế giới, bởi “Hoàng tử bé” đã góp phần mang văn học Pháp ra toàn cầu từ 80 năm qua. “Hoàng tử bé” là tác phẩm văn học được đọc nhiều thứ ba trên thế giới; được dịch ra gần 250 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt.
Tác giả Antoine de Saint Exupéry (1900-1944) là một nhà văn - phi công. Ông đã viết các tác phẩm như “Chuyến thư miền Nam", "Người phi công", "Bay đêm - Xứ con người" và “Hoàng tử bé” - kiệt tác văn học dành cho thiếu nhi.
“Hoàng tử bé” là câu chuyện triết học giàu chất thơ, đề cập đến những chủ đề sâu sắc như cuộc sống và tình yêu, cái chết, tình bạn, thái độ và những mối bận tâm trước cuộc sống... Ở Việt Nam, tác phẩm này được dịch và xuất bản khá sớm. Bản dịch “Cậu hoàng con” của Trần Thiện Đạo đã có từ năm 1966. Tiếp theo là bản dịch là “Hoàng tử bé” của Bùi Giáng. Sau đó là nhiều bản dịch “Hoàng tử bé” mới của các dịch giả khác nhau.
Bản dịch “Hoàng tử bé” của Trác Phong, do Công ty Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho ra mắt năm 2013 nhân kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm chứa đựng nhiều yếu tố mới về xuất bản. Đây cũng là ấn bản chính thức được Nhà xuất bản Gallimard (Pháp) chuyển nhượng bản quyền lần đầu tiên ở Việt Nam; được in với tất cả minh họa gốc bằng màu nước của tác giả. Do đó, cuốn sách có diện mạo tương đồng với ấn bản của Pháp.../.