An sinh

Bình đẳng cho người khuyết tật: Thắp sáng niềm tin

Thoát khỏi tự ti và làm chủ cuộc sống là khát khao của rất nhiều người khuyết tật, trong đó có cả những người khiếm thị.

Cơ sở Tẩm quất người mù Trung Uyển vào một buổi sáng trung tuần tháng 4/2023. Địa chỉ này đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người. Trung bình mỗi ngày, cơ sở đón khoảng gần 100 khách đến xoa bóp, bấm huyệt, tẩm quất. Lượng khách đông, thu nhập của các kỹ thuật viên tương đối ổn định, từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng/tháng. Số tiền không nhiều song cũng đủ để 10 mảnh đời khiếm thị trang trải chi tiêu sinh hoạt.

Chị Phạm Thị Thủy, hội viên Hội Người mù quận Ba Đình, là một kỹ thuật viên của Cơ sở Tẩm quất người mù Trung Uyển. Chị Thủy bị khiếm thị bẩm sinh, sống phụ thuộc vào gia đình. Được vợ chồng anh chị Trung - Uyển đào tạo nghề và nhận vào làm việc đã làm thay đổi cuộc sống của chị.

“Đáy mắt tôi bị thoái hóa hoàng điểm, tắc tĩnh mạch võng mạc từ khi còn bé. Cuộc sống phải phụ thuộc vào người thân trong nhà rất khó khăn. Cách đây 8 năm, tôi tình cờ biết đến cơ sở tẩm quất và được anh chị Trung - Uyển truyền nghề. Theo nghề này từ năm 2015 đến nay, trung bình một ngày có thể làm từ 8 đến 10 tiếng, thu nhập trung bình ổn định 10 triệu/tháng. Đây là công việc rất phù hợp với những người khiếm thị”, chị Phạm Thị Thủy chia sẻ.

Chia sẻ về hành trình đến với nghề tẩm quất bấm huyệt, chị Huỳnh Thị Ngọc Uyển bồi hồi nhớ lại. Sinh năm 1982 tại một làng quê nghèo của tỉnh Quảng Ngãi, Uyển mồ côi mẹ từ lúc 5 tuổi, bố lấy vợ khác và đi Đồng Nai làm kinh tế mới. Anh em Uyển sống với ông bà nội già yếu. Đến năm lên 7 tuổi, mắt Uyển bỗng bị mờ hẳn đi bởi căn bệnh thoái hóa võng mạc. Mọi sinh hoạt của Uyển phụ thuộc vào người anh trai. Thế nhưng, bất hạnh chưa dừng lại ở đó. Khi Uyển lên 10, người anh trai của Uyển do bị rắn độc cắn, lại không có phương tiện chở đi cấp cứu kịp thời nên cũng rời xa em mãi mãi.

Là một người có nghị lực, Uyển kiên cường vượt lên số phận, nỗ lực hoàn thiện bản thân. Năm 2000, Huỳnh Thị Ngọc Uyển bắt đầu học chữ nổi rồi ra Hà Nội học nghề xoa bóp bấm huyệt tại Trung tâm Phục hồi chức năng thuộc Hội Người mù Việt Nam. Cũng tại đây, Uyển gặp anh Nguyễn Văn Trung, người đồng cảnh ngộ ở Sóc Sơn và là người bạn đời của chị sau này.

“Lúc đó, chúng tôi vượt qua rất nhiều rào cản, định kiến để đến với nhau. Có thể nói, nhờ có tình yêu và những khát khao về một mái ấm gia đình, tôi và anh Trung đã vượt qua tất cả. Sau khi học được nghề này và trực tiếp làm nghề một thời gian, nhận thấy tiềm năng của nghề xoa bóp, chúng tôi đã bàn bạc với nhau là phải thành lập một cơ sở của riêng mình để thực hiện những điều mà hai vợ chồng đã mong muốn” chị Huỳnh Thị Ngọc Uyển cười tươi kể.

Ước mơ là vậy nhưng cái khó là khi thực hiện ý định mở cơ sở tẩm quất cho người mù, cả hai anh chị đều không có tiền. Chị Uyển quyết định vay Hội Người mù Quảng Ngãi rồi vay người thân, người 200.000 đồng, người 300.000 đồng để mua trang thiết bị.

Không chỉ gặp khó khăn về cơ sở vật chất, những ngày đầu lập nghiệp, anh chị còn đối mặt với cả bài toán về nhân lực và nguồn khách. Vượt lên vất vả, anh Trung, chị Uyển mày mò từ sách vở, tài liệu bằng chữ nổi và học hỏi thêm từ những người khác.

Nhờ cố gắng rèn luyện nâng cao tay nghề, cộng với tinh thần phục vụ nhiệt tình, chu đáo, cơ sở tẩm quất Trung Uyển ngày càng đông khách. Từ chỗ chỉ có 3 nhân viên với vài trăm khách/tháng, giờ đây, cơ sở đã tạo việc làm ổn định cho 12 anh chị em đồng tật với mức thu nhập từ 8-15 triệu đồng/người và vài ngàn lượt khách/tháng.

“Trong quá trình hoạt động, chúng tôi đã đào tạo được một số các bạn kỹ thuật viên là những người cùng cảnh ngộ và giới thiệu họ vào hội. Khi đưa các bạn về với cơ sở, chúng tôi chăm lo, đào tạo các bạn như dưới một mái ấm gia đình. Vạn sự khởi đầu nan, có thể nói là qua từng bước khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thiện, chúng tôi đã có được cơ sở vững chắc như ngày hôm nay. Chúng tôi đã hoàn thành được ước mơ, mong muốn của mình”, anh Nguyễn Văn Trung vui vẻ nói.

“Khi đưa các bạn cùng cảnh ngộ về đây, chúng tôi có kể về hoàn cảnh của mình với mong muốn truyền đi thông điệp của chính chúng tôi: Dù mất đi đôi mắt nhưng nếu kiên trì và cố gắng, các em vẫn có thể tự làm chủ được cuộc sống của mình, trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội”, chị Huỳnh Thị Ngọc Uyển chia sẻ.

Chia sẻ về hành trình vươn lên, vượt qua mặc cảm, tự tin làm chủ bản thân của anh chị Nguyễn Văn Trung, Huỳnh Thị Ngọc Uyển, bà Nguyễn Thị Kim Khanh, Chủ tịch Hội Người mù quận Ba Đình khẳng định: Nghề tẩm quất là một trong những nghề phù hợp với khả năng của người khiếm thị. Sống bằng nghề, người khiếm thị không chỉ có việc làm, thu nhập ổn định mà còn tự tin vươn lên trong cuộc sống. Hà Nội có khoảng 100 cơ sở của người khiếm thị hoạt động trong lĩnh vực tẩm quất, đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho cả ngàn người khiếm thị.

Tại quận Ba Đình, ngoài cơ sở Trung Uyển, còn có cơ sở tẩm quất Nhân Đạo hoạt động tương đối hiệu quả, tự trang trải chi phí, đầu tư trang thiết bị, tạo thu nhập ổn định cho người lao động và đóng góp một phần kinh phí cho các hoạt động khác của hội. Doanh thu hàng năm đạt trên 200 triệu đồng, tăng trung bình 2,8% mỗi năm, tạo ra công việc, thu nhập ổn định cho 7 hội viên, trở thành điểm sáng trong hoạt động chung của Hội.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Kim Khanh, người khiếm thị luôn lấy việc làm là mục tiêu phấn đấu nhằm giảm bớt sự phụ thuộc, thực hiện quyền được lao động và hòa nhập bình đẳng vào cộng đồng. Mặc dù có rất nhiều điều kiện không thuận lợi về năng lực quản lý, sức khỏe, số lượng ngành nghề, vốn sản xuất kinh doanh… , song tổ chức Hội đã cố gắng tận dụng tối đa các cơ hội để thúc đẩy hoạt động sản xuất, tìm kiếm việc làm cho hội viên bằng nhiều hình thức khác nhau.

“Ngoài những nghề như xoa bóp bấm huyệt, nghề truyền thống như làm tăm, làm chổi, hiện có những xu hướng mới trong dạy nghề cho người khiếm thị, điển hình như nghề Telesale (là hoạt động bán hàng, quảng cáo thông qua điện thoại để tiếp cận với khách hàng). Tổ chức Hội, đặc biệt là ở Thành hội đang mở những lớp như vậy để tạo thêm cơ hội việc làm cho hội viên, từ đó góp phần thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo bền vững. Hiện nay, Quận hội Ba Đình có tổng số 169 hội viên, sinh hoạt tại 10 chi hội, không còn hộ nghèo. Mục tiêu của tổ chức Hội là tiếp tục nỗ lực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên”, bà Nguyễn Thị Kim Khanh nhấn mạnh./. 

>>> Xem bài 1: Bình đẳng cho người khuyết tật: Mở đường tri thức

Hạnh Quỳnh – Việt Đức

Xem thêm