Bình Định đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý”
Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý gắn liền với đời sống tinh thần và tín ngưỡng của cư dân vùng biển Nhơn Lý, phản ánh truyền thống tôn thờ cá Ông...
Ngày 7/2, tại xã Nhơn Lý, UBND thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý”.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo thành phố Quy Nhơn dưới sự chứng kiến của đông đảo người dân và du khách.
Vui mừng trước sự công nhận của Nhà nước về lễ hội, nghệ nhân Nguyễn Kim Chức xúc động: “Là một nghệ nhân trong thực hành, truyền dạy nghi thức tín ngưỡng Lễ hội truyền thống của Vạn đầm Xương Lý, tôi vô cùng sung sướng khi hay tin Lễ hội truyền thống này, được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Nghệ nhân Chức chia sẻ, sẽ nỗ lực phấn đấu, lao động, sáng tạo hết mình để gìn giữ, lan tỏa, phát huy di sản Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, để Lễ hội này luôn có sức sống vững bền và ngày càng lan tỏa, góp phần quảng bá nét đẹp sinh hoạt văn hóa miền biển của ngư dân Làng Nhơn Lý đến với du khách thập phương và cộng đồng.
Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý gắn liền với đời sống tinh thần và tín ngưỡng của cư dân vùng biển Nhơn Lý, phản ánh truyền thống tôn thờ cá Ông – vị thần hộ mệnh của ngư dân. Với bề dày lịch sử hơn 200 năm, Lễ hội đã chứng kiến và đồng hành cùng những thăng trầm của vùng đất, từ những ngày đầu hình thành Trường Lăng vào năm 1815, đến khi chính thức được tổ chức tại vũng Nồm, đầm Hưng Łương vào năm 1839. Trải qua nhiều lần trùng tu, tái thiết, đặc biệt là sau năm 2014, Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý ngày càng được phục dựng đầy đủ, trở thành nét đẹp văn hóa đặc trưng của Bình Định.
Lễ hội có quy mô lớn và gắn liền với nghề biển địa phương. Hằng năm, lễ hội chính thức diễn ra trong ba ngày, từ mùng 9 - 11 tháng Giêng. Ngày nay, lễ hội được kéo dài thời gian, với nhiều hoạt động dân gian và biểu diễn nghệ thuật như Hát bội, Bài chòi và hội chọi gà dân gian.
Với những giá trị văn hóa đặc sắc, “Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 3994/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ sáu của tỉnh Bình Định được vinh danh, sau di sản: Võ cổ truyền Bình Định, Hát bội Bình Định, Nghệ thuật Bài chòi Bình Định, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn, Nghề chằm Nón ngựa Phú Gia.
Để Lễ hội tiếp tục được bảo tồn, giữ gìn và truyền lại những giá trị văn hóa quý báu cho các thế hệ mai sau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đề nghị UBND thành phố Quy Nhơn chủ động phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản cụ thể, chi tiết; tăng cường kết nối lễ hội với du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, giới thiệu rộng rãi nét đẹp của Lễ hội đến với du khách trong và ngoài nước. Qua đó, không chỉ bảo tồn di sản mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh đó, các ngành cần tiếp tục nghiên cứu, tư liệu hóa Lễ hội, tổ chức các hoạt động giáo dục, truyền dạy để các thế hệ sau hiểu rõ và tiếp nối di sản; đồng thời khuyến khích cộng đồng địa phương tích cực tham gia thực hành, gìn giữ nghi lễ truyền thống…/.