An sinh

Bình Định: Xử lý triệt để, không để sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng, kéo dài

Bình Định

Sở Y tế Bình Định yêu cầu giám sát chặt chẽ; nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để các ổ dịch khi phát hiện.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được điều trị tại Trung tâm y tế huyện Tây Sơn. (Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN)

TTXVN - Ngành chức năng tỉnh Bình Định đang triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống để khống chế bệnh sốt xuất huyết, không để lây lan diện rộng, ổn định sức khỏe nhân dân.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Định, tính đến ngày 10/10, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.890 ca mắc sốt xuất huyết. Địa phương có ca mắc nhiều là thành phố Quy Nhơn với 244 ca, thị xã An Nhơn 234 ca, huyện Phù Mỹ 217 ca, huyện Tuy Phước 216 ca… Riêng từ ngày 4 - 10/10, trên địa bàn phát hiện mới 2 ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Bình Định, thị xã An Nhơn và xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn.

Trước tình hình trên, Sở Y tế tỉnh yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn; nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để các ổ dịch khi phát hiện, không để bệnh bùng phát, lan rộng, kéo dài. Cùng với đó, triển khai mạnh mẽ các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy), duy trì 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được điều trị tại Trung tâm y tế huyện Tây Sơn. (Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN)

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cần tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, phối hợp với các địa phương, đơn vị để tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch; tăng cường giám sát, hướng dẫn đảm bảo việc phun hóa chất thực hiện đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể.

Sở Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn đảm bảo thu dung, cách ly và điều trị kịp thời các ca bệnh theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế để hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, hạn chế việc chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị nhằm giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên; đảm bảo dự trữ đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ… để phòng, chống dịch và điều trị cho bệnh nhân kịp thời./.

Lê Phước Ngọc

Xem thêm