Việc xử lý thủ tục liên quan đến quy định bỏ sổ hộ khẩu khá thuận lợi, người dân hài lòng khi cắt giảm được nhiều thủ tục giấy tờ rườm rà.
TTXVN - Sau gần hai tháng tỉnh Phú Thọ thực hiện quy định bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, việc xử lý thủ tục cho người dân khá thuận lợi, người dân hài lòng khi cắt giảm được nhiều giấy tờ rườm rà.
Đến nay, tỉnh Phú Thọ đã cấp được hơn 1,2 triệu căn cước công dân gắn chíp, đạt trên 97% và hoàn thành cấp gần 380 nghìn tài khoản định danh điện tử phục vụ cho người dân thực hiện hồ sơ hành chính bằng định danh điện tử.
Anh Nguyễn Ngọc Duy (phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì) phấn khởi chia sẻ, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy rất thuận tiện cho người dân, không còn phải cất giữ, không lo mất, cập nhật định danh cá nhân và các loại giấy tờ vào điện thoại thông minh rất tiện lợi.
Thượng tá Phạm Thị Hoa, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Phú Thọ cho biết, theo quy định của Luật Cư trú, hiện nay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đã hết giá trị sử dụng, thay vào đó công dân có thể sử dụng 7 phương thức chứng minh thông tin công dân. Đó là sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử; thiết bị đọc mã QR code; thiết bị đọc chíp trên thẻ căn cước công dân; giấy xác nhận thông báo lưu trú; giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; khai thác thông tin qua tài khoản định danh điện tử được hiển thị trong ứng dụng VneID; khai thác thông tin qua hệ thống một cửa. Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin công dân bằng dữ liệu điện tử.
Tạo thuận lợi cho người dân, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở đã bố trí cán bộ thường trực 24/24 giờ, tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của công dân về cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú và thông báo số định danh cá nhân; tiếp nhận, xử lý các kiến nghị vướng mắc của công dân khi bỏ sổ hộ khẩu và sổ tạm trú.
Lực lượng Công an các địa phương đã đồng loạt triển khai và thực hiện chiến dịch cao điểm quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nhất là cấp căn cước công dân gắn chíp cho công dân đủ độ tuổi và hướng dẫn công dân thực hiện đăng ký tài khoản định danh và xác thực điện tử VneID để phục vụ hoạt động giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công. Đồng thời chủ động bố trí lực lượng thường trực, ứng trực để xử lý các sự việc phát sinh, tập trung cấp xác nhận thông tin về cư trú, thông báo số định danh cá nhân…nhanh chóng, đúng quy định khi người dân có nhu cầu.
Nhiều địa phương đã nhanh chóng tiến hành điều tra cơ bản, rà soát, phân loại công dân trên địa bàn chưa được cấp căn cước công dân theo diện thường trú, tạm trú, chưa được giải quyết đăng ký thường trú, các trường hợp không thể thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân. Các địa phương phối hợp với Tổ công tác Đề án 06 của các xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, công nhân viên chức và người dân hiểu, nhận thức đầy đủ của việc sử dụng tài khoản định danh điện tử, ứng dụng VNeID thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến; sử dụng thẻ căn cước công dân, thiết bị dọc QR code, chíp trên thẻ căn cước công dân thay thế việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Theo Thượng tá Phạm Thị Hoa, bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai, lực lượng chức năng gặp phải không ít khó khăn, trở ngại do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ của một bộ phận người dân, một số người dân chưa có điện thoại thông minh, không có thiết bị điện tử để kết nối internet... Bên cạnh đó, địa bàn rộng, đi lại khó khăn, dân cư phân bổ không đồng đều cũng gây khó khăn cho việc triển khai cấp căn cước công dân gắn chíp và cấp tài khoản định danh điện tử.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng định danh và xác thực điện tử VneID tuy được phát triển, nhưng quá trình thực tế sử dụng còn phát sinh nhiều lỗi như mất kết nối, phần mềm quét QR hay nhận diện khuôn mặt không hoạt động, chậm gửi tin nhắn xác nhận OTP… gây khó khăn cho người dân trong quá trình đăng ký, sử dụng phần mềm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện./.