An sinh

Giải pháp phòng chống "tín dụng đen" trong công nhân - lao động

TP. Hồ Chí Minh

Hoạt động góp phần góp nâng cao uy tín của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ lợi ích của người lao động có thu nhập thấp.

Ảnh minh họa. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

TTXVN - Ngày 23/2, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ chức Tài chính vi mô (CEP) tổ chức Hội thảo "Giải pháp phòng chống tín dụng đen trong công nhân - lao động".

Đây là dịp để các chuyên gia tài chính, ngân hàng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố trong cả nước, Tổ chức Tài chính vi mô và đại diện người lao động trao đổi, thảo luận, tìm giải pháp, phòng chống "tín dụng đen" trong công nhân lao động, góp phần nâng cao uy tín của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ lợi ích của người lao động có thu nhập thấp.

Tại hội thảo, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang chia sẻ trước những khó khăn của người lao động; chỉ rõ những tác hại của "tín dụng đen"; đồng thời đánh giá cao việc phát triển Tổ chức Tài chính vi mô CEP đã góp phần cùng tổ chức Công đoàn chăm lo, hỗ trợ công nhân, người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong đợt dịch COVDI-19 bùng phát và tình hình hiện nay. Cùng với hoạt động của tổ chức Công đoàn, CEP và các chi nhánh của CEP tại 12 tỉnh, thành phố trong cả nước không chỉ kịp thời chia sẻ khó khăn với công nhân, người lao động mà còn góp phần cùng chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là ngăn chặn, phòng ngừa "tín dụng đen" trong công nhân, người lao động.

Để phòng, chống “tín dụng đen”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng cần làm tốt hơn nữa vai trò của tổ chức Công đoàn. Trong đó, CEP cần tập trung xây dựng và phát triển bền vững; tổ chức quản trị rủi ro tốt; tăng tỷ lệ vay trong công nhân; mở rộng quy mô, mạng lưới trên cơ sở đảm bảo về nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, tính pháp lý… Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố cần hỗ trợ và tạo điện thuận lợi để CEP phát triển; đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền để công nhân, người lao động nghèo không chỉ biết đến mà còn thuận lợi hơn trong quá trình tiếp cận và vay vốn.

Ông Nguyễn Đình Khang đề nghị Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cùng các cơ quan chuyên môn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Ban thuộc Tổng Liên đoàn tăng cường hỗ trợ, giám sát, thúc đẩy hoạt động CEP theo đúng định hướng; cần công khai các công ty tài chính; xây dựng khung pháp lý riêng cho hoạt tài chính phục vụ cho công nhân lao động; phát triển các phòng giao dịch phục vụ cho công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp…

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai chia sẻ vai trò của Công đoàn trong việc đồng hành, hỗ trợ CEP mở rộng hoạt động phục vụ công nhân lao động tại địa bàn tỉnh; nhấn mạnh mục tiêu nhân rộng hoạt động trợ vốn là nhằm tạo thêm hình thức mới hỗ trợ đoàn viên và người lao động. Qua đó gắn kết và thu hút người lao động gia nhập vào hoạt động tổ chức công đoàn, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.

Bà Nguyễn Thị Như Ý đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có chiến lược phát triển hoạt động CEP và các Quỹ trợ vốn của Công đoàn trở thành một trong các giải pháp hiệu quả phòng, chống “tín dụng đen” trong công nhân lao động; xem xét đưa nội dung này vào chương trình trọng tâm của Công đoàn các cấp trong nhiệm kỳ 2023-2028. Tổng Liên đoàn có chủ trương đầu tư, hỗ trợ nguồn vốn tiền gửi từ nguồn tài chính Công đoàn nhằm phát huy mạnh mẽ hiệu quả mô hình CEP. Qua đó giúp gia tăng số lượng đoàn viên công đoàn, công nhân lao động có thu nhấp được hưởng lợi ích thiết thực từ tổ chức Công đoàn thông qua chương trình vay vốn.

Để phòng chống "tín dụng đen" trong công nhân lao động, bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Tổng Giám đốc CEP đề xuất tăng cường hỗ trợ công nhân lao động tiếp cận sản phẩm tín dụng, tiết kiệm; hỗ trợ công nhân lao động thụ hưởng các hoạt động phát triển cộng đồng; nâng cao kiến thức tài chính, giúp công nhân lao động phòng tránh "tín dụng đen" và quản lý hiệu quả tài chính cá nhân…

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Cường Giám đốc Quỹ trợ vốn Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội cho rằng cần xây dựng, hoàn thiện nội quy, quy chế nội bộ; đẩy mạnh việc triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong các mặt hoạt động nhằm thực hiện tốt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, cần sử dụng có hiệu nguồn vốn được giao quản lý; nâng cao hiệu quả công tác tín dụng, triển khai đa dạng các sản phẩm cho vay, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đoàn viên, công nhân viên chức lao động nghèo, thu nhập thấp tiếp cận nguồn vốn, để tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.

Tại hội thảo, nhiều công nhân lao động đã chia sẻ những khó khăn khi vướng vào “tín dụng đen”; đồng thời khẳng định việc vay vốn từ CEP hay Quỹ trợ vốn của tổ chức Công đoàn với những gói vay đa dạng, lãi suất thấp, trả nợ linh hoạt đã giúp họ vượt qua những thách thức tài chính, vươn lên ổn định cuộc sống. Lãnh đạo các Công đoàn cơ sở có nhiều đoàn viên, công nhân lao động vay vốn chia sẻ những ưu điểm vượt trội từ việc vay của CEP hay Quỹ trợ vốn...

Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Vĩnh Long, An Giang, nhiều người lao động khi vay vốn "tín dụng đen" do không thể tính toán và cân đối được khoản hoàn trả hàng tháng vì lãi suất quá cao đã dẫn tới nợ chồng nợ, hậu quả là bị đe dọa từ chủ nợ./.

Thanh Vũ

Xem thêm