Sức khỏe

Bộ Y tế khảo sát công tác xã hội tại một số bệnh viện

Năm 2023, ngành Y tế đặt mục tiêu phát triển nghề công tác xã hội theo hướng chuyên nghiệp, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

TTXVN - Ngày 7/6, Đoàn công tác của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm Trưởng đoàn, đã kiểm tra việc triển khai hoạt động công tác xã hội tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện FV Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: LH)

Đây là một trong những hoạt động nhằm kiểm tra, khảo sát việc thực hiện Thông tư 43/2015/TT-BYT ngày 26/11/2015 của Bộ Y tế quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện, đồng thời đề xuất sửa đổi Thông tư 43 cho phù hợp với tình hình mới.

Tại buổi họp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê chia sẻ, trong thời gian qua, nghề công tác xã hội được phát triển tại Việt Nam, trong đó hoạt động công tác xã hội đã được phát huy tại các bệnh viện. Với tiêu chí “lấy người bệnh làm trọng tâm” của ngành Y tế, bất cứ hoạt động gì trong bệnh viện cần có cơ chế, quy định rõ ràng. Thông tư 43/2015/TT-BYT quy định quy chế hoạt động của công tác xã hội tại các bệnh viện đã phần nào giúp các đơn vị triển khai thuận lợi.

Đến nay, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi đã được Quốc hội thông qua. Việc sửa đổi Thông tư 43 cần được khảo sát để điều chỉnh cho phù hợp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đánh giá, Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện đầu ngành của khu vực phía Nam, có số lượng lớn bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Đoàn công tác muốn lắng nghe, trao đổi kinh nghiệm từ Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Chợ Rẫy để tổng hợp hướng dẫn, chỉnh sửa và bổ sung vào Thông tư 43 hợp lý hơn.

Báo cáo với Đoàn công tác, Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, từ khi thành lập đến nay, Phòng Công tác xã hội đã triển khai 6/6 hoạt động công tác xã hội theo Thông tư 43. Hoạt động công tác xã hội tại Bệnh viện Chợ Rẫy giúp đỡ nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Lãnh đạo Phòng Công tác xã hội Chợ Rẫy kiến nghị cần bổ sung những quy định để kịp thời thích nghi, ứng phó được với các tình huống dịch bệnh, thiên tai… Nhân viên công tác xã hội cần được tập huấn nâng cao năng lực về biện hộ, vận dụng có hiệu quả chính sách vào thực tế tại bệnh viện; tiếp thu, học tập mô hình giúp đỡ người bệnh hay tham quan, học tập, hợp tác quốc tế với các bệnh viện trong khu vực.

Tại Bệnh viện FV, cùng với công tác kiểm tra, Đoàn công tác mong muốn tìm hiểu từ thực tiễn vận hành công tác xã hội tại các bệnh viện, đặc biệt là một trong những bệnh viện quốc tế có 100% vốn đầu tư nước ngoài như FV.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nêu những lợi thế của khối bệnh viện tư nhân, khi triển khai các hoạt động xã hội, nhằm hỗ trợ cho bệnh nhân, thân nhân và cả nhân viên y tế.

Bác sĩ Jean-Marcel Guillon, Tổng Giám đốc Bệnh viện VF cho biết, hoạt động công tác xã hội là mối quan tâm lớn của bệnh viện, từ thời điểm thành lập và cho đến hiện nay. “FV hoạt động với triết lý không từ chối bất cứ bệnh nhân nào. Chúng tôi đã học hỏi từ nhiều đơn vị lớn trên thế giới để xây dựng quy trình công tác xã hội, nhằm đảm bảo triết lý đó luôn được vận hành”.

Trong năm 2023, FV tập trung vào lĩnh vực công tác xã hội, với mong muốn giảm gánh nặng chi phí cho các bệnh nhân điều trị ung thư, bằng nhiều giải pháp hỗ trợ tài chính khác nhau.

Tại buổi làm việc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đánh giá cao những hoạt động mà Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện FV đã làm được; đồng thời ghi nhận các ý kiến đóng góp của hai bệnh viện, xem xét điều chỉnh bổ sung phù hợp vào thông tư 43 dựa trên những kiến nghị mà Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện FV đưa ra.

Trong ngày, Đoàn công tác đã làm việc với Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo kế hoạch 257/KH-BYT ngày 27/2/2023 về hoạt động công tác xã hội năm 2023, ngành Y tế đặt ra mục tiêu phát triển nghề công tác xã hội trong theo hướng chuyên nghiệp, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân./.

PV

Xem thêm