Học sinh ở các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện vùng III Kon Plông đã vững tin đến trường nhờ những bữa cơm đong đầy yêu thương.
TTXVN - Ngay từ đầu năm học, ngoài việc vận động các em đến trường, thầy cô giáo ở huyện Kon Plông (Kon Tum) đã duy trì bữa ăn bán trú nhằm huy động học sinh đến lớp. Đây là cách làm hiệu quả, thiết thực của nhằm khích lệ tinh thần học tập, nâng bước các em đến trường.
Năm học 2023 - 2024, huyện Kon Plông có trên 1.900 học sinh được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định của Chính phủ. Để hỗ trợ, động viên các em ở các xã nông thôn mới (không được hưởng), thầy cô giáo ở huyện Kon Plông đã huy động nhiều nguồn xã hội hóa để duy trì bữa ăn bán trú dân nuôi. Nhờ đó, gần 1.250 học sinh vẫn ăn bán trú tại trường. Đây là những bữa cơm đầy tình yêu thương, nguồn động viên, khuyến khích các em đến trường.
Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành, huyện Kon Plông có 272 học sinh; trong đó chỉ có 57 em được hưởng chế độ theo Nghị định của Chính phủ. Số học sinh còn lại đều có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, do khoảng cách thôn, làng đến điểm trường chính xa nên các em về buổi trưa thì chiều khó quay lại lớp. “Nếu không có ăn trưa, buổi chiều khi mùa mưa các em thường không quay lại lớp. Là trường bán trú nhưng thực tế các em ở nội trú đến thứ 6 mới về. Việc lo các em bữa ăn bán trú sẽ giúp duy trì sĩ số học sinh, kể cả 85 em học sinh ở các điểm trường lẻ tại thôn” thầy Trần Thông, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành khẳng định.
Nhà cách trường 15 km, với em Y Minh Tuyết (học sinh lớp 5B tại điểm trường chính Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành, xã Măng Cành) được đến trường là niềm vui lớn. “Nhà con ở làng Măng Pành. Con rất muốn được ở trường, học kiến thức và ăn những bữa cơm ngon", em chia sẻ.
Hiện 3 xã Măng Cành, Pờ Ê và Đăk Tăng đã đạt chuẩn nông thôn mới nên chế độ bán trú cho học sinh giảm. Để duy trì các bữa ăn bán trú cho 1.250 học sinh ở 3 xã, thầy cô các trường cùng chính quyền và ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông đã có nhiều giải pháp hiệu quả. Cụ thể, năm học 2023 - 2024, ngành đã nhận được sự hỗ trợ từ 3 chương trình: Dự án nuôi em của nhóm tình nguyện Niềm tin và Dự án nuôi em Tây Nguyên hỗ trợ 397 học sinh với định mức mỗi em 17.000 đồng/ngày; Quỹ Trò nghèo vùng cao với Dự án “Bữa cơm có thịt” hỗ trợ bữa ăn trưa cho 850 học sinh (cả mầm non và tiểu học) với định mức khoảng 10.000 đồng/em/ngày. Với mức hỗ trợ trên, các bữa ăn của học sinh ở trường đã được cải thiện, đảm bảo có thịt, cá, canh, rau… Đây là sự cố gắng lớn của ngành giáo dục huyện Kon Plông nhằm giúp các em yên tâm đến trường.
Để cải thiện, đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh, thầy giáo Nguyễn Minh Cường, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông cho biết thêm: Hiệu trưởng các trường huy động phụ huynh học sinh góp gạo, lúa, rau củ các loại hoặc củi. Phụ huynh cũng có thể góp công, tới trường hỗ trợ nấu ăn cho các em. Ngoài ra, Phòng Giáo dục cùng các xã, thị trấn, hiệu trưởng các trường kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ hiện vật như mì tôm, cá khô, dầu ăn.
Ngoài sự hỗ trợ của cộng đồng, thầy cô các trường cũng góp thêm công sức bằng việc nuôi gia cầm, lợn nhằm tận dụng thức ăn thừa của các em; trồng rau trong khuôn viên trường… để cải thiện bữa ăn cho học sinh, nhất là vào các dịp lễ. Học sinh ở các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện vùng III Kon Plông đã vững tin đến trường nhờ những bữa cơm đong đầy yêu thương./.
- Từ khóa:
- bữa cơm yêu thương
- bữa ăn bán trú
- Kon Tum