Xã hội

Các doanh nghiệp ở Thanh Hóa nỗ lực chăm lo Tết cho người lao động

Thanh Hóa

Tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 20 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 400 nghìn lao động.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Sakurai Việt Nam luôn quan tâm đến người lao động. Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN.

Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 1.600 doanh nghiệp báo cáo phương án thưởng Tết Quý Mão 2023 cho người lao động. Trong đó, mức thưởng cao nhất dự kiến gần 360 triệu đồng/người thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI; mức thưởng thấp nhất là 50.000 đồng/người.  

Là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nội thất và trang thiết bị trường học, sau 15 năm phát triển, Công ty Cổ phần thiết bị giáo dục Hồng Đức (Khu công nghiệp Lễ Môn, thành phố Thanh Hóa) đang tạo việc làm với mức thu nhập ổn định cho hơn 200 lao động.

Xác định người lao động là tài sản vô giá của doanh nghiệp, Công ty luôn quan tâm, tạo điều kiện để từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Năm 2022, mặc dù kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khắc phục mọi khó khăn, công ty đang nỗ lực tạo việc làm và nhiều chương trình phúc lợi ý nghĩa, mang Tết ấm đến với công nhân lao động. Theo đó, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 công ty có kế hoạch thưởng cho mỗi công nhân 5 triệu đồng cùng một suất quà để động viên người lao động dịp cuối năm.

Ông Vũ Ngọc Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần thiết bị giáo dục Hồng Đức cho biết, chăm lo người lao động dịp Tết Nguyên đán là hoạt động rất ý nghĩa giúp gắn kết giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, qua đó người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với công ty. Năm nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn hơn so với mọi năm, nhưng công ty vẫn nỗ lực để chăm lo tốt nhất đời sống người lao động. Trước hết là tìm kiếm thêm đơn hàng để công nhân không phải nghỉ việc luân phiên, ảnh hưởng đến thu nhập; bên cạnh đó có những suất quà nhỏ kèm theo tiền mặt để động viên người lao động vui xuân, đón Tết…

Với 12.600 công nhân lao động, Công ty trách nhiệm hữu hạn Sakurai Việt Nam (Khu công nghiệp Lễ Môn - thành phố Thanh Hóa) là doanh nghiệp có đông công nhân lao động thứ 3 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Năm nay, trong điều kiện khó khăn chung, việc thưởng Tết cho hàng chục nghìn lao động cũng là áp lực đối với công ty. Tuy nhiên, với phương châm coi người lao động là “tài sản vô giá”, công ty luôn quan tâm chăm lo, giúp người lao động ổn định về tư tưởng và đời sống. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, công ty có kế hoạch thưởng lương tháng 13 cho công nhân với mức trung bình 7,5 triệu đồng/người. Dịp cuối năm, công ty cũng sẽ thanh toán tiền phép năm và các khoản phụ cấp khác cho người lao động; nếu tính tổng cả lương tháng 12 thì mỗi công nhân được lĩnh gần 20 triệu đồng.

Chị Bùi Thị Hằng, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Sakurai Việt Nam cho biết đã gắn bó với doanh nghiệp hơn 10 năm, lãnh đạo công ty rất quan tâm đến đời sống của công nhân, tổ chức Công đoàn thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ, động viên khi người lao động gặp khó khăn. Mỗi dịp Tết đến, ngoài tiền lương, thưởng, công ty thường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, phúc lợi đoàn viên… Quyền lợi của người lao động được đảm bảo nên mọi người rất an tâm, phấn khởi, mong muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Ông Ngô Thế Anh - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp Thanh Hóa cho biết, Công đoàn Khu kinh tế hiện có hơn 100 Công đoàn cơ sở trực thuộc với trên 87.000 đoàn viên trong tổng số trên 90.000 công nhân lao động. Dịp Tết Quý Mão 2023, Công đoàn sẽ tổ chức chương trình Chợ Tết Công đoàn và “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” năm 2023. Tại chương trình có các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, hướng về đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động như: tổ chức 70 gian hàng cung cấp các dịch vụ thiết yếu, bán hàng giảm giá, không đồng cho 30.000 công nhân, lao động; tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động… có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và tham gia hoạt động Công đoàn. Chương trình cũng hỗ trợ kinh phí xây dựng “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên, người lao động khó khăn; tổ chức các hoạt động nghệ thuật, trò chơi dân gian như thi gói bánh chưng, thi kéo co, chương trình nghệ, hoạt động tư vấn việc làm, tư vấn pháp luật, nói chuyện chuyên đề, tư vấn sức khỏe miễn phí cho công nhân viên chức lao động.

Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có trên 20 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 78 doanh nghiệp có vốn Nhà nước, 112 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và 20 nghìn doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp khoảng 400 nghìn người. Theo ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, Sở đã chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp thiếu việc làm để hỗ trợ việc làm cho người lao động sau Tết Nguyên đán, đồng thời thống kê về mức thưởng Tết cho người lao động. Việc các doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn, chăm lo chế độ thưởng Tết đã góp phần động viên người lao động hăng hái thi đua lao động, sản xuất hiệu quả..../.

Khiếu Tư

Xem thêm