Tại hội thảo"Thúc đẩy kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên", nhiều mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong chuyển đổi số đã được đại diện các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ.
TTXVN - Ngày 24/4, báo Tiền Phong phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT tổ chức hội thảo "Thúc đẩy kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên". Đại diện nhiều sở, ngành, cơ quan, đơn vị của 13 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cùng các nhà cung cấp chuyển đổi số và hơn 30 hiệp hội, doanh nghiệp trên cả nước tham dự.
Tại hội thảo, nhiều mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong chuyển đổi số đã được đại diện các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ. Đại diện Vụ Kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ bức tranh toàn cảnh về kinh tế số tại Việt Nam, cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế số. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ các định hướng về chuyển đổi số nông nghiệp – lĩnh vực kinh tế then chốt của khu vực.
Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định trao đổi một số vấn đề phát triển kinh tế số địa phương từ kinh nghiệm của tỉnh. Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT, với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu cả nước, mang đến các bài tham luận về vai trò của dữ liệu cơ sở các ngành kinh tế, cũng như các giải pháp chuyển đổi số nông nghiệp. Tổng công ty Viễn thông MobiFone mang đến giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho biết: Xác định chuyển đổi số là cơ hội để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi số. Nghị quyết đã đưa ra mục tiêu đến 2025 “phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP”, “tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%”.
“Hội thảo Thúc đẩy kinh tế số khu vực Tây Nguyên - Nam Trung Bộ là một hoạt động rất cần thiết và có ý nghĩa, giúp các tỉnh trong khu vực có thêm ý kiến tham vấn từ các chuyên gia và nhà khoa học trong quá trình phát triển kinh tế số. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để các địa phương gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi những mô hình đã triển khai thành công, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn, thúc đẩy kinh tế số phát triển với điểm đột phá là đẩy nhanh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp dựa trên các nền tảng số”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang chia sẻ.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết: Hội thảo là cơ hội tốt để các đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp, mô hình để đưa kinh tế số trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của địa phương, của vùng; cùng nhau hợp tác để tạo nên những thay đổi mang tính tích cực, thiết thực và bền vững. Đây chính là khởi nguồn cho nhiều hợp tác trong tương lai, là sự kết nối để làm sâu sắc hơn những quan hệ hợp tác đã có, và vì thế mà kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên sẽ được khởi sắc.
Năm 2024 được Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số lựa chọn chủ đề là năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”. Một số mục tiêu cụ thể được đặt ra như thúc đẩy phát triển 48.000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại địa phương; 60% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải; khoảng 40% người dân trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hoàn thành triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu; 100% hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ (Hệ thống EMC).
Theo số liệu thống kê năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đánh giá quốc tế về chuyển đổi số của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực như Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay. Chỉ số Bưu chính của Việt Nam năm 2023 đạt cấp độ 6/10, tăng 1 cấp độ so với năm 2021, đứng thứ 38. Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp 2022 và 2023. Thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19%. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP./.
- Từ khóa:
- Nam Trung Bộ
- Tây Nguyên
- kinh nghiệm
- chuyển đổi số