Cải tiến, đổi mới các hoạt động kỳ họp, chất vấn, giải trình, giám sát của HĐND
Quý I năm nay, GRDP Hà Nội ước đạt 5,8%, trong khi mức bình quân chung của cả nước là3,32%. Tổng thu ngân sách ước thực hiện 138,9 nghìn tỷ đồng, đạt 39,3% dự toán và tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022.
TTXVN - Ngày 13/4, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban với Thường trực HĐND quận, huyện, thị xã quý I/2023. Hội nghị được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến đến 143 điểm cầu với trên 1.200 đại biểu tham dự.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội trong 3 tháng đầu năm và các nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023; sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 97 của Quốc hội và Nghị định số 32 của Chính phủ về “thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” theo Kế hoạch số 145/KH-UBND, ngày 14/6/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính Nhà nước của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; đánh giá 1 năm thực hiện Đề án 15 - ĐA/TU ngày 12/9/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”…
Quý I năm nay, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ đầu năm 2020, tình hình bất ổn của kinh tế, chính trị thế giới và khu vực, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác. Kinh tế của Thủ đô tiếp tục tăng trưởng. GRDP ước đạt 5,8%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (3,32%). Tổng thu ngân sách ước thực hiện 138,9 nghìn tỷ đồng, đạt 39,3% dự toán và tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số giá tiêu dùng CPI Quý I được kiểm soát, tăng 2,25% so cùng kỳ năm 2022.
Hoạt động của HĐND các cấp thành phố tiếp tục đổi mới, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn; chủ động vào cuộc một cách tích cực để cùng với UBND và các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề dân sinh. HĐND các cấp thành phố đã chủ động tổ chức tốt các kỳ họp chuyên đề; duy trì các phiên họp, phiên giải trình của Thường trực HĐND; tăng cường các hoạt động giám sát, khảo sát đảm bảo các quy định của Luật và phù hợp tình hình thực tiễn.
Qua đánh giá sơ kết thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ - CP ngày 29/3/2021 theo chức năng, nhiệm vụ của HĐND khẳng định, mô hình thí điểm như hiện nay của thành phố Hà Nội là phù hợp thực tiễn. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ tại các phường đã đảm bảo phù hợp với vị trí việc làm, năng lực chuyên môn. Việc bố trí công tác và giải quyết các chế độ chính sách đối với các Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND phường sau sắp xắp, kiện toàn được thực hiện đúng quy định.
Đối với việc thực hiện Đề án 15 của Ban Thường vụ Thành ủy, cơ bản cấp ủy Đảng, Thường trực HĐND các cấp đã ban hành kế hoạch triển khai; tăng lượng đại biểu chuyên trách. Nhiều mục tiêu cụ thể của Đề án đã được tập trung thực hiện và đạt kết quả ngay trong thời gian đầu triển khai. Các cấp ủy, địa phương đã quan tâm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động của HĐND cùng cấp. Hiện nay, HĐND cấp huyện cơ bản đã bố trí đủ số lượng đại biểu chuyên trách theo yêu cầu của Đề án. Cấp ủy cũng quan tâm hơn trong công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách của HĐND.
Ghi nhận những kết quả đạt được của HĐND các cấp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã đồng thời chỉ ra một số nội dung hạn chế cần tập trung đánh giá sâu sắc, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để khắc phục trong thời gian tới như: Chất lượng hoạt động còn chưa đồng đều, một số đơn vị hoạt động vẫn còn hình thức, chưa hiệu quả. Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện các nghị quyết, kết luận giám sát hiệu lực, hiệu quả chưa cao...
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 97/2019/QH14, ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14; Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù đối với thành phố và các quy định khác của pháp luật.
Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án số 15-ĐA/TU, ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, bố trí cán bộ chuyên trách tổ chức giám sát; tiếp xúc cử tri chuyên đề; quan tâm công tác cán bộ... Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm, sự chuyên nghiệp của Thường trực HĐND và đội ngũ chuyên trách của HĐND các cấp; tăng cường hoạt động giám sát cả về số lượng và chất lượng; tiếp tục cải tiến, đổi mới các hoạt động kỳ họp, chất vấn, giải trình, giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND theo quy định của Luật và Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm... Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND, nhất là trong công tác tổng hợp, theo dõi thực hiện các kết luận giám sát, giải quyết kiến nghị của cử tri, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo./.
- Từ khóa:
- Thường trực HĐND thành phố
- Hà Nội