Cán bộ, đảng viên Đà Nẵng quan tâm vấn đề phát triển năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế
Cán bộ, đảng viên Đà Nẵng đồng tình với những vấn đề được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII.
TTXVN - Theo dõi nội dung kết quả của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII, cán bộ , đảng viên Đà Nẵng hết sức đồng tình với những vấn đề được đưa ra thảo luận và phấn khởi khi biết tình hình kinh tế có sự tăng trưởng trong quý I năm 2023.
Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Hưng, Phó Viện trưởng, phụ trách Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến-Đại học Đà Nẵng tin tưởng, đánh giá cao việc Hội nghị Trung ương 7, khóa XIII đã đặt ra những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến phát triển năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng lâu dài của COVID-19, tình hình biến động của thế giới. Điều này thể hiện cam kết của Đảng, Nhà nước trong việc đưa đất nước phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Trung ương đã chú trọng đến đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, chính quyền số và đô thị thông minh. Đây là định hướng chiến lược quan trọng vì các thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông chính là phương tiện quản trị, quản lý nhà nước, kinh tế - xã hội hiệu quả, thúc đẩy quá trình cải cách hành chính và xây dựng con người - chính quyền trong sạch.
Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Hưng đồng tình, ủng hộ cao việc ưu tiên phát triển văn hóa, giáo dục đào tạo. Bởi trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ, đất nước phát triển kinh tế, xã hội hiện đại, thông qua công nghệ, con người dễ bị tác động phức tạp bởi nhiều trào lưu văn hóa - xã hội khác nhau. Điều này nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đồng thời tiếp thu, phát triển các giá trị văn hóa-xã hội mới, tiên tiến của thế giới, đặc biệt đối với thế hệ trẻ, tương lai của đất nước.
Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Hưng mong muốn: Đảng và Nhà nước phát huy hiệu quả sức mạnh tập thể trong quản trị, điều hành, quản lý nhà nước trong bối cảnh vẫn còn đâu đó tư tưởng cục bộ, địa phương, hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; còn chính sách, quy định chưa hiệu quả chồng chéo, chưa thông suốt. Về công tác cán bộ, bên cạnh việc bố trí những người thật sự có đức, có tài vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy, Nhà nước cần tập trung xây dựng các chính sách phát triển nguồn nhân lực, thu hút người có năng lực và đào tạo nguồn lao động với cơ cấu hợp lý phục vụ phát triển bền vững đất nước”.
Quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, xã hội, Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Đắc Truyền, Phó Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng cho rằng, hội nghị đã đánh giá kỹ những kết quả đạt được trong công tác an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng và hỗ trợ người bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19.
Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Đắc Truyền chia sẻ: “Tôi rất vui khi hội nghị đã quan tâm thảo luận đến việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đây là những vấn đề quan trọng nhằm ổn định cuộc sống của người dân, giúp an sinh xã hội.”
Ông Võ Đắc Truyền mong muốn, Nhà nước tiếp tục ưu tiên nguồn lực để phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đồng thời, ông hy vọng Đảng, Nhà nước triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn; tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, làm tốt công tác phòng, chống dịch; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và quan tâm hơn nữa đến việc phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, tệ nạn xã hội; tăng cường chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa nông thôn, đô thị, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững…