Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng là một trong những phương thức tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội.
TTXVN - Ngày 19/5, tại Hà Nội, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho đại biểu Quốc hội, nhằm hệ thống, cập nhật những thông tin mới nhất cho các đại biểu về các nội dung mang tính thời sự, các chính sách, hoạt động lớn, trọng điểm của Quốc hội trong năm 2023 và nhiệm kỳ khóa XV.
Tham dự Hội nghị có các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương; Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh và 150 đại biểu đại diện cho các cơ quan, đoàn thể của Quốc hội và các địa phương...
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội là nhiệm vụ thường xuyên, nhất là trong bối cảnh đổi mới hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và xây dựng Quốc hội dân chủ, pháp quyền; tăng tính chuyên nghiệp, khoa học, hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, hội nhập quốc tế trong hoạt động Quốc hội. Theo đó, công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội là một trong những phương thức tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội. Đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với đất nước, cử tri và nhân dân; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của nhân dân lên trên hết, trước hết…
Bà Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, thực hiện chủ trương của Đảng về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đại biểu Quốc hội nói riêng, những năm qua, công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đại biểu Quốc hội đã đáp ứng đúng yêu cầu định hướng lãnh đạo của Đảng và đạt được những kết quả tích cực, được lãnh đạo Quốc hội ghi nhận. Các nội dung, chương trình bồi dưỡng kiến thức đã giúp đại biểu Quốc hội tự tin hơn khi thực hiện nhiệm vụ, nhất là các đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách và đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu. Qua đó góp phần làm cho chất lượng của đại biểu Quốc hội trong các nhiệm kỳ vừa qua không ngừng được nâng cao, khẳng định vai trò trung tâm, nòng cốt trong hoạt động của Quốc hội.
Trên cơ sở đó, bà Nguyễn Thị Thanh đề nghị các đại biểu dự Hội nghị dành thời gian tối đa, nghiên cứu, tiếp thu các nội dung trong chương trình bồi dưỡng, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong quá trình công tác của từng đại biểu.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đây là hội nghị đầu tiên được tổ chức có quy mô và nội dung cụ thể, nhằm triển khai Nghị quyết số 761/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định một số nội dung về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội. Đây là Nghị quyết riêng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tính chất chuyên đề về bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao năng lực hoạt động cho đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, pháp luật hiện hành cũng như Đảng đoàn Quốc hội luôn xác định đại biểu Quốc hội là trung tâm hoạt động của Quốc hội, là hạt nhân cho sự thành công của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội có vị trí, vai trò rất quan trọng với chất lượng, hiệu quả, hiệu lực, hoạt động của Quốc hội. Chính vì vậy, mỗi đại biểu Quốc hội phải thường xuyên nâng cao kiến thức, năng lực, kỹ năng hoạt động, chất lượng công tác. Đồng thời, việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực công tác của đại biểu Quốc hội cũng là trách nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của các cơ quan quản lý đại biểu Quốc hội.
Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV đã thể hiện sự kế thừa, phát triển rất tốt những thành tựu đã đạt được của Quốc hội các khóa trước, đáp ứng yêu cầu đổi mới, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào cuộc sống. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc triển khai Nghị quyết số 761/NQ-UBTVQH15 về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội thể hiện sự trách nhiệm, quan tâm sâu sắc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác này. Qua đây hệ thống hóa lại những vấn đề mới, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao kỹ năng và chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội nói riêng và Quốc hội nói chung.
Theo Ban tổ chức, Hội nghị sẽ diễn ra trong 1,5 ngày với 04 chuyên đề gồm: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội; Một số nội dung về chính sách xã hội trong giai đoạn mới; Một số nội dung về chính sách quốc phòng, an ninh trong giai đoạn mới. Bên cạnh việc bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức mới, Hội nghị sẽ gợi mở, định hướng các vấn đề để đại biểu nghiên cứu vận dụng trực tiếp cho quá trình công tác./.
Hải Ngọc