Quốc hội với Cử tri

Góp ý kiến xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Hưng Yên

Việc góp ý xây dựng góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

TTXVN - Ngày 18/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị lấy ý kiến xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Tham dự có đại diện các huyện, thành phố, thị xã và sở, ngành: kế hoạch đầu tư, tài chính, tài nguyên môi trường, xây dựng, thuế...

Góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu tập trung đề cập vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất giao không đúng quy định… Theo các đại biểu, cần có quy định chặt chẽ với các trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất (Điều 120); về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu (Điều 142); cấp giấy chứng nhận đối với tài sản là nhà ở.

Về quy định quy hoạch sử dụng đất, các ý kiến cho rằng, nên quy định mang tính chất định hướng, nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong khâu tổ chức thực hiện. Tại Khoản 4, Điều 82 cần quy định cụ thể điều kiện đưa vào kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đối với những trường hợp quy định tại Điều 85, 86 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bên cạnh đó, nên hạn chế đưa vào kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, những công trình chưa đủ điều kiện làm kéo dài thời gian thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và ảnh hưởng đến quyền của người sử dụng đất. Các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát các điều khoản về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo mối quan hệ, vị trí của quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong hệ thống quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Đối với Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), các đại biểu cho rằng cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi). Nhiều ý kiến đi sâu vào nội dung như: Điều kiện của nhà ở, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh; yêu cầu chung trong kinh doanh quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại dự án bất động sản; thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản; kinh doanh bất động sản; quy định hợp đồng kinh doanh bất động sản không bắt buộc phải thực hiện công chứng, chứng thực; hợp đồng kinh doanh bất động sản…

Các đại biểu cũng quan tâm thảo luận loại bất động sản được đưa vào kinh doanh; điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản. Bên cạnh sự kế thừa các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cần bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó có vấn đề quy định giao dịch phải qua sàn giao dịch bất động sản và hợp đồng không phải công chứng, chứng thực; về kinh doanh bất động sản; quy định chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất phải thông qua sàn giao dịch bất động sản; quy định hợp đồng kinh doanh bất động sản không bắt buộc phải thực hiện công chứng, chứng thực; hợp đồng kinh doanh bất động sản…

Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Đại Thắng, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu. Việc góp ý xây dựng góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp để trình tại kỳ họp Quốc hội tới đây./.

Mai Ngoan

Tin liên quan

Xem thêm