Thực thi chính sách

Cần có các quy định bảo đảm hoạt động của tổ chức Công đoàn

TP. Hồ Chí Minh

Các đại biểu đề xuất về việc tăng cường đào tạo cán bộ Công đoàn; tăng cường phối hợp trong thanh tra, kiểm tra thực hiện Bộ luật Lao động; cần có những quy định cụ thể cho tổ chức đại diện của người lao động...

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

TTXVN - Cần làm rõ hơn, cụ thể hơn những quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn, bảo đảm cho cán bộ Công đoàn, tài chính Công đoàn trong Luật Công đoàn (sửa đổi). Đây là một trong những nội dung được đông đảo đại biểu là cán bộ Công đoàn các tỉnh, thành phố, khu chế xuất, khu công nghiệp và doanh nghiệp lớn ở phía Nam quan tâm thảo luận, góp ý tại Hội thảo về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chiều 13/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đi sâu vào nội dung ở Chương IV Luật Công đoàn (sửa đổi), ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp luật Công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai dẫn chứng nhiều câu chuyện xảy ra ở các doanh nghiệp khi giới chủ "không hài lòng" với Chủ tịch Công đoàn cơ sở. "Biện pháp của họ là thay đổi vị trí làm việc hoặc điều chuyển cán bộ Công đoàn đến nơi khác làm việc. Thậm chí sau 30 ngày, kể từ ngày báo cáo cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, đơn vị sử dụng lao động có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình (theo Điều 25 Luật Công đoàn)… khiến cán bộ Công đoàn hoàn toàn chịu trận", ông Vũ Ngọc Hà nói.

Cùng quan điểm, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Pou Yuen Việt Nam (tại Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cần có giải pháp hoặc quy định cụ thể trong dự thảo Luật Công đoàn về việc bảo đảm, bảo vệ cán bộ Công đoàn, nhất là trong hoạt động tại doanh nghiệp. "Muốn kỷ luật, cho thôi hoặc nghỉ việc cán bộ Công đoàn, đơn vị đó cần có ý kiến của Ban Chấp hành Công đoàn hoặc giao cho Công đoàn cấp trên xem xét ra quyết định bằng văn bản", ông Củ Phát Nghiệp nhấn mạnh.

Dẫn chứng trường hợp cụ thể doanh nghiệp của mình trong đợt cắt giảm hơn 2.000 lao động vừa qua, ông Củ Phát Nghiệp cho biết, cán bộ Công đoàn trong công ty không nằm trong danh sách cắt giảm lao động, ngoại trừ họ tự nguyện.

Bà Bùi Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp tỉnh Long An phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Quan tâm đến các điều khoản trong Chương IV Luật Công đoàn (sửa đổi), nhất là Điều 23 về Bảo đảm về tổ chức, bà Bùi Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp tỉnh Long An đề xuất cần quy định cụ thể, rõ về "khung" (số lượng) cán bộ Công đoàn/tỷ lệ đoàn viên ở Công đoàn cơ sở và cả Công đoàn cấp trên cơ sở nhằm để tránh trường hợp cơ cấu quá ít cán bộ Công đoàn nhưng phải tải khối lượng công việc, nhiệm vụ, hoạt động Công đoàn quá lớn.

Tại Điều 27 về Quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn, bà Bùi Thị Ngọc Trang kiến nghị cần linh hoạt, nhất là trong việc hỗ trợ hoặc chi cho hoạt động của bộ máy Công đoàn các cấp. Bà Trang dẫn chứng nhiều tổ chức Công đoàn cơ sở ở tỉnh Long An quá ít đoàn viên, không đủ kinh phí để mua sắm trang thiết bị để phục vụ cho các hoạt động Công đoàn; hoặc quy trình Đại hội Công đoàn cần rất nhiều khoản chi mà Công đoàn cơ sở không có kinh phí để thực hiện...

Bên cạnh đó, bà Bùi Thị Ngọc Trang đề xuất cần làm rõ hơn hoặc quy định cụ thể đối với tình trạng trốn, chậm đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp không tuyên bố phá sản hay cơ quan quản lý nhà nước không rút giấy phép kinh doanh, Bảo hiểm Xã hội không chốt sổ, khiến cho mọi thiệt thòi đổ dồn về phía người lao động, dù cho tổ chức Công đoàn có đồng hành với người lao động ra đến Tòa án.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho ý kiến xoay quanh mức đóng kinh phí Công đoàn là 2% trên tổng số tiền lương của tất cả lao động tham gia bảo hiểm xã hội và do doanh nghiệp đóng không trích vào lương của người lao động. Trên cơ sở này, Công đoàn cơ sở và tổ chức của người sử dụng lao động tại doanh nghiệp được sử dụng 75% trên tổng số thu (như Điều 27) sẽ thuận lợi hơn trong việc tổ chức các hoạt động Công đoàn.

Các đại biểu đề xuất về việc tăng cường đào tạo cán bộ Công đoàn; tăng cường phối hợp trong thanh tra, kiểm tra thực hiện Bộ luật Lao động; cần có những quy định cụ thể cho tổ chức đại diện của người lao động...

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trước yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng và đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cần thiết phải sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012. Việc sửa Luật Công đoàn lần này phải làm cho Công đoàn Việt Nam ngày càng mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn, quyền công đoàn của người lao động được ghi nhận, tôn trọng đầy đủ và thực hiện nghiêm trên thực tế. Việc sửa Luật còn hướng đến vừa tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, vừa phải phù hợp với thể chế của đất nước.

Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả người làm việc không có quan hệ lao động, đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Thông qua việc sửa đổi Luật Công đoàn sẽ góp phần thúc đẩy Công đoàn Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, người lao động ngày càng lớn mạnh. Từ đó thu hút đông đảo người lao động và các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Công đoàn./.

Thanh Vũ

Xem thêm