Cần giải pháp mạnh xử lý tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội
Công tác tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội; việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội là khó khăn kéo dài nhiều năm chưa có giải pháp hiệu quả khắc phục.
Không ít doanh nghiệp sử dụng nhiều cách để trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hay khi bị người lao động khiếu nại, cơ quan chức năng thanh tra thì doanh nghiệp tìm cách “né tránh, đóng cửa”... Đây là ghi nhận thực tế được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội nghị chuyên đề “Giải pháp thúc đẩy mở rộng độ bao phủ người tham gia bảo hiểm xã hội ở những nơi có quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố” do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 30/7.
*Hơn 340.000 doanh nghiệp không có người đóng bảo hiểm xã hội
Theo Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, công tác tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội; việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội là khó khăn kéo dài nhiều năm chưa có giải pháp hiệu quả khắc phục. Điều này tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, khiến họ thiếu niềm tin vào bảo hiểm xã hội, từ đó, khó mở rộng mạng lưới an sinh.
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến nay, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên toàn Thành phố là hơn 6.870 tỷ đồng. Nếu trừ số tiền chậm đóng dưới 1 tháng và số chậm đóng khó thu thì tổng số tiền chậm đóng còn lại là hơn 4.470 tỷ đồng.
Theo số liệu đăng ký mã số tham gia bảo hiểm xã hội, hơn 461.600 doanh nghiệp với gần 2,54 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, trong số này có hơn 348.200 doanh nghiệp có số lao động bằng 0, tức là không có người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Qua rà soát, Bảo hiểm xã hội Thành phố phát hiện có gần 8.000 doanh nghiệp có đăng ký thuế nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội; 49.433 doanh nghiệp đã tham gia bảo hiểm xã hội nhưng tham gia chưa đầy đủ cho người lao động.
“Căn cứ dữ liệu thuế năm 2023, toàn Thành phố có 57.345 đơn vị với 1.473.939 lao động cần phải rà soát. Lý do là những đơn vị này có sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng thường "lách luật" để không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động”, ông Thanh cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận nhiều nguồn tin từ cơ quan bảo hiểm xã hội nhưng chưa khởi tố được vụ án nào liên quan đến đơn vị sử dụng người lao động có hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Nguyên nhân là theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 về tội:“Trốn đóng bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho người lao động” thì bắt buộc người vi phạm phải bị xử lý hành chính về hành vi này mới có đủ căn cứ xử lý hình sự.
Tuy nhiên, các hồ sơ kiến nghị khởi tố của cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển đến chỉ bị xử lý vi phạm hành chính các hành vi: Chậm đóng, đóng không đúng mức quy định theo quy định tại Khoản 5, 6 Điều 39, Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/1/2022 (về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Để phục vụ công tác điều tra, xác minh, cơ quan điều tra cần phải thu thập toàn bộ hồ sơ thanh tra, các quy định liên quan đến bảo hiểm xã hội cũng như bản kết luận của hội đồng giám định chuyên môn…
"Việc cung cấp thông tin phục vụ điều tra của các cơ quan này còn chậm làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ giải quyết vụ việc”, Thượng tá Ngô Thuận Lăng chia sẻ.
Bên cạnh đó, quá trình kiểm tra, xử lý chỉ xác định là doanh nghiệp không đóng hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn hoặc đóng không đúng mức đóng bảo hiểm quy định… Điều này không đủ cơ sở để xác định được các hành vi đó là trốn đóng do không chứng minh được người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cố ý và có hành vi gian dối và bằng thủ đoạn khác theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ngày 15/8/2019 (về hướng dẫn áp dụng điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của bộ luật hình sự).
* Cần giải pháp xử lý hình sự
Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Nguyễn Quốc Thanh, thời gian qua, các cơ quan quản lý lao động, đơn vị chức năng liên tục tổ chức thanh tra các đơn vị trốn đóng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, kết quả chưa khả quan vì doanh nghiệp tìm mọi cách để né tránh.
“Các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ ở ngoài khu công nghiệp thường lách luật cố tình không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động. Khi cơ quan bảo hiểm xã hội xuống kiểm tra các đơn vị này chỉ thấy treo biển hiệu. Nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp cố tình né tránh tiếp đoàn thanh tra. Hiện nay, chưa có biện pháp hữu hiệu trong việc xử lý đơn vị cố tình vi phạm pháp”, ông Thanh nói.
Tương tự, bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khi Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố xử lý đơn thư khiếu nại, mời doanh nghiệp đến nhưng họ vắng mặt. Khi thanh tra đến tận nơi thì doanh nghiệp đóng cửa, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh… Thậm chí, sau thanh tra, ban hành quyết định xử phạt, doanh nghiệp cũng không chấp hành. Hiện các chế tài đều chưa có tính răn đe, bắt buộc người sử dụng lao động phải chấp hành.
"Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội hiện nay chỉ đạt 56% so với lực lượng lao động toàn thành phố, do đó Thành phố cần nhiều giải pháp đột phá để phát triển, mở rộng hơn độ bao phủ của bảo hiểm xã hội; phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và cả tự nguyện", bà Tới chia sẻ.
Ở góc độ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị cần có chế tài mạnh mẽ hơn, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm răn đe, kéo giảm tình hình vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Từ thực tiễn, Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước sớm có hướng dẫn chi tiết về hành vi gian dối và thủ đoạn khác để cấu thành hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn (theo Quy định tại Khoản 7, Điều 39, Nghị định 12/2022/NĐ-CP), từ đó có cơ sở xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự khi tái phạm.
“Ngoài ra, trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, cơ quan bảo hiểm xã hội cần lập biên bản giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho người vi phạm, có tài liệu thể hiện việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế của cơ quan bảo hiểm xã hội đã áp dụng đối với đơn vị vi phạm, khẩn trương cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Sau khi thanh tra, cơ quan bảo hiểm xã hội phải làm rõ được tiền trốn đóng, tiền chậm đóng và tiền lãi nhằm xác định thiệt hại của hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn của người vi phạm”, Thượng tá Ngô Thuận Lăng đề nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng thống nhất đề nghị các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn chi tiết về hành vi gian dối và thủ đoạn khác; cần có hướng dẫn cụ thể hơn về việc xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho người lao động để không chỉ để đảm bảo việc xử lý đúng người, đúng tội mà còn đảm bảo tính nhân văn, nhưng cũng đồng thời răn đe, cảnh tỉnh các đơn vị sử dụng lao động trong quá trình thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và với người lao động góp bảo đảm quyền lợi của người lao động nói riêng và quỹ bảo hiểm xã hội nói chung…/.