Quốc hội với Cử tri

Cần quy định cụ thể hơn về đường sắt tốc độ cao trong Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi)

TP. Hồ Chí Minh

Chiều 31/3, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), trình xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 9...

Chiều 31/3, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), trình xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV.

Các đại biểu nhất trí về tầm quan trọng, cấp bách của việc nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Đường sắt 2017 hiện hành để thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm tạo sự đột phá về thể chế cho phát triển đường sắt; tạo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, thống nhất với các luật có liên quan (như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đất đai…) trong những nội dung liên quan đến hoạt động đường sắt. Đồng thời, sửa đổi Luật Đường sắt nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong triển khai áp dụng Luật trên thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành đường sắt cũng như kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Quang cảnh Hội thảo. 
Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Các đại biểu đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu một số nội dung lớn được các đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố góp ý và tiếp tục cho ý kiến vào những nội dung còn chưa thống nhất trong Dự thảo Luật.

Ông Lê Nguyễn Hồng Quang, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, các khái niệm, thuật ngữ được nêu tại Điều 3 (Giải thích từ ngữ) cần được sắp xếp theo thứ tự Alphabet (a,b,c) để đảm bảo tính khoa học và tiện tra cứu; chuyển các nội dung mang tính giải thích từ ngữ tại Điều 9 “Phân loại đường sắt và cấp kỹ thuật đường sắt quy định về hệ thống đường sắt Việt Nam và cấp kỹ thuật đường sắt” vào Điều 3 (Giải thích từ ngữ); bổ sung giải thích thêm một số từ ngữ được nêu trong Luật nhưng chưa rõ ràng, cụ thể như: khái niệm ga kỹ thuật, ga liên vận quốc tế, ga biên giới, ga đầu mối… được quy định tại Điều 15 của Dự thảo Luật.

Theo ông Lê Nguyễn Hồng Quang, trong bối cảnh Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, nhưng Chương III quy định về phát triển công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt lại không đề cập đến đường sắt tốc độ cao. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung chương riêng hoặc mục riêng về đường sắt tốc độ cao với những điều luật quy định về đảm bảo an ninh, an toàn trong vận hành, hệ thống chống thảm họa đường sắt tốc độ cao; chính sách khuyến khích đầu tư cho phát triển giao thông đường sắt tốc độ cao…

Quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn đường sắt, hàng lang bảo vệ đường sắt, ông Trần Đức Lộc (UBND quận Phú Nhuận) cho biết, là một quận có hệ thống đường sắt chạy qua, thực tiễn thời gian qua cho thấy, Dự thảo Luật cần phân cấp, phân quyền cụ thể, hợp lý hơn giữa Cục Đường sắt và địa phương có đường sắt đi qua để vừa đảm bảo sự thuận lợi trong hoạt động bảo trì, duy tu, sửa chữa đường sắt, hàng rào bảo vệ đường sắt vừa đảm bảo các yêu cầu về an toàn đường sắt.

Bên cạnh đó, theo đại diện UBND quận Phú Nhuận, quy định “đường sắt có tốc độ thiết kế từ 120 km/giờ trở lên phải xây dựng hàng rào bảo vệ” tại khoản 4, Điều 29 (bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt) là chưa đầy đủ. Bởi vì, đường sắt tuy tốc độ chậm nhưng chạy qua khu dân cư, đô thị cũng cần hướng tới việc xây dựng hàng rào bảo vệ.

Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) trình xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội XV gồm 8 chương và 70 Điều, quy định về hoạt động đường sắt; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đường sắt./.

Nguyễn Xuân Khu

Tin liên quan

Xem thêm