Pháp luật

Cần tăng nặng hình phạt đối với tội phạm mua bán người

Cần tăng nặng hình phạt đối với tội phạm mua bán người, đặc biệt là tội phạm mua bán người trên không gian mạng để răn đe tội phạm mua bán người và gửi thông điệp mạnh mẽ đây là tội phạm nghiêm trọng cần phải ngăn chặn.

TTTXVN- Đó là khẳng định của bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam với phóng viên TTXVN khi đề cập về việc Việt Nam đang chuẩn bị sửa đổi Luật phòng, chống mua bán người để đối phó với thủ đoạn mới của các đối tượng mua bán người và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người công tác phòng, chống mua bán người ở Việt Nam năm 2023.

Phóng viên: Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ IX thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Bà có nhận xét như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người sau khi Luật được ban hành?

Bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam. (Ảnh: Hải Ngọc/TTXVN)

Bà Park Mihyung: Việt Nam trong những năm gần đây đã có những nỗ lực nghiêm túc trong hành động chống nạn buôn bán người, tạo môi trường di cư minh bạch và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư. Điển hình là việc triển khai Chương trình quốc gia phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030, bao gồm các giải pháp, nhiệm vụ mới phòng, chống mua bán người trên mọi lĩnh vực.

Với tôi, điều đáng khích lệ là cách Việt Nam chú trọng hơn đến việc điều tra và xác định các hình thức buôn bán người khác nhau. Chính phủ đã rất chú ý đến việc phân tách dữ liệu về nạn buôn bán người để giúp hiểu rõ hơn về mức độ nghiêm trọng của tình trạng này trong nước.

Định nghĩa về buôn bán người đã được mở rộng trong những năm gần đây khi tội phạm không chỉ dừng lại ở tệ nạn bóc lột tình dục và hôn nhân cưỡng bức mà còn là buôn bán người trong nước và lao động cưỡng bức. Tôi biết rằng, Việt Nam rất chú trọng đến việc giải quyết nạn buôn bán thai nhi.

Chúng ta trước đây thường nghĩ rằng, nạn buôn người chỉ liên quan đến việc di chuyển, đi lại hoặc vận chuyển một người qua biên giới tiểu bang hoặc quốc gia. Tuy nhiên, buôn bán người có thể xảy ra trong biên giới của bất kỳ quốc gia nào, kể cả Việt Nam. Nạn nhân của nạn buôn người có thể được tuyển dụng và buôn bán ở ngay quê hương của họ.

Ngoài ra, chúng ta có xu hướng tin rằng người lao động nhập cư có hợp đồng không gặp rủi ro. Tuy nhiên, lao động hợp đồng Việt Nam có thể dễ bị bóc lột sức lao động. Vì vậy, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (hay Luật 69), có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo tốt hơn việc bảo vệ người lao động Việt Nam ở nước ngoài và các quyền của họ, hứa hẹn mang lại tuyển dụng công bằng và tạo môi trường di cư an toàn trên thực tế.

Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hết mình để đơn giản hóa việc điều phối và chuyển tuyến giữa các cơ quan thông qua các thủ tục chuẩn hóa. Một ví dụ là sáng kiến do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện, cho phép Quy chế điều phối liên bộ về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán có hiệu lực vào tháng 8 năm 2022, áp dụng cho bốn Bộ chủ quản là: Ngoại giao, Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc phòng.

Việc xác định và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán được tăng cường đã được thể hiện thông qua số lượng đáng kể các nạn nhân được hỗ trợ vào năm 2022. Tôi rất tự hào về nỗ lực gần đây của Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam trong việc hợp tác với Bộ đội Biên phòng, Bộ Công an để xác định và truy tố những kẻ buôn người trong các vụ buôn người, bảo vệ các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trên các tàu đánh cá.

*Phóng viên: Việt Nam đang chuẩn bị sửa đổi Luật phòng, chống mua bán người để đối phó với thủ đoạn mới của các đối tượng mua bán người và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người. IOM có khuyến nghị gì cho Việt Nam để luật sửa đổi phát huy hiệu quả, phù hợp với thực tiễn trấn áp tội phạm mua bán người, bảo đảm quyền cho nạn nhân?

Ngày 4/4, tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc, Bộ Tổng chưởng lý Australia tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến cho hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

*Bà Park Mihyung: Sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, đây là thời điểm thích hợp để rà soát, sửa đổi luật. Đây là một bước cần thiết để đảm bảo Việt Nam được trang bị để ứng phó với các xu hướng và nguy cơ buôn bán người đang nổi lên, vốn ảnh hưởng không đồng đều đến tất cả mọi người, bao gồm cả nam giới, phụ nữ, người già, trẻ em trai và trẻ em gái.

Việc sửa đổi luật nên xem xét thể chế hóa việc thiết lập cơ sở dữ liệu buôn người tập trung bao gồm cả dữ liệu về nạn nhân và nhu cầu hỗ trợ của họ. Về vấn đề này, IOM sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc thu thập, cập nhật, phân tích và sử dụng những dữ liệu. Mặt khác, chúng ta cần tăng nặng hình phạt đối với tội phạm mua bán người, đặc biệt là tội phạm mua bán người trên không gian mạng để răn đe tội phạm mua bán người và gửi thông điệp mạnh mẽ đây là tội phạm nghiêm trọng cần phải ngăn chặn.

Để làm như vậy, chúng ta cần tăng cường các cơ chế để điều tra, truy tố và kết án những kẻ buôn người một cách hiệu quả, bao gồm đào tạo chuyên sâu cho lực lượng thực thi pháp luật và công tố viên xử lý các vụ buôn bán người và đảm bảo việc thực thi nhất quán ở cấp Trung ương và địa phương. Việc sửa đổi luật cần xem xét tăng cường các chính sách hỗ trợ và mức độ hỗ trợ đối với nạn nhân buôn bán người để giúp họ hòa nhập cộng đồng bền vững và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam chuẩn hóa mẫu sàng lọc nạn nhân phù hợp với mẫu quốc tế. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng trong lĩnh vực này. Hy vọng, những nỗ lực này sẽ sớm mang lại kết quả tốt.

Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cuộc chiến chống buôn bán người không phải là trách nhiệm của riêng bất kỳ cơ quan nào. Do đó, chúng ta cần cải thiện khung pháp lý để thúc đẩy hợp tác liên ngành, các quy trình nhanh chóng và toàn diện bao gồm tham vấn với tất cả các bên liên quan, như các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức phi chính phủ và nạn nhân buôn bán người, để tìm ra thách thức tiềm ẩn trong việc xác định và hỗ trợ các nạn nhân. Quan trọng nhất là chúng ta phải lắng nghe các nạn nhân, nghe câu chuyện của họ.

Với tất cả những mục tiêu đó, IOM sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các đối tác khác đẩy nhanh mục tiêu xóa bỏ nạn buôn bán người.

*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Việt Đức

Tin liên quan

Xem thêm