Pháp luật

Giải quyết, xử lý vấn nạn “cò ngư phủ”

Dịch vụ môi giới lao động biển hay còn gọi là “cò ngư phủ” gia tăng hoạt động, kéo theo các hoạt động mua bán người nhằm mục đích cưỡng bức lao động trên các tàu đánh cá trên biển cũng gia tăng.

TTXVN- Theo Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng), hoạt động tội phạm về mua bán người trên tuyến biên giới, vùng biển đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại là dịch vụ môi giới lao động biển hay còn gọi là “cò ngư phủ” gia tăng hoạt động, kéo theo các hoạt động mua bán người nhằm mục đích cưỡng bức lao động trên các tàu đánh cá trên biển cũng gia tăng.

Trước tình hình trên, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng cùng với Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) đang tăng cường phối hợp đấu tranh với loại tội phạm này. Theo đó, hai bên tập trung lực lượng phối hợp tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới, vùng biển. Hai bên chỉ đạo Bộ đội Biên phòng, Công an các tỉnh tuyến biển thống nhất với các cơ quan tư pháp địa phương về chính sách hình sự đối với hoạt động mua bán người nhằm mục đích cưỡng bức lao động trên biển thông qua dịch vụ “cò” ngư phủ nhằm giải quyết, xử lý vấn nạn này.

Cán bộ Trạm kiểm soán Biên phòng Sông Đốc, Đồn Biên phòng Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) tuần tra, kiểm soát tàu cá trên vùng biển Cà Mau.(Ảnh: TTXVN)

Lực lượng Cảnh sát Hình sự và lực lượng Phòng, chống ma túy và tội phạm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài trở về; tổ chức phỏng vấn, khai thác nạn nhân để tạo nguồn xác lập chuyên án chung đấu tranh, triệt phá các đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán người.

“Hai bên nghiên cứu, tham mưu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có phương án hợp tác với Campuchia, Lào trong giải cứu nạn nhân trong các casino, cơ sở game, công ty kinh doanh trực tuyến do người nước ngoài làm chủ”, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng), tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Phần lớn các đối tượng cư trú trong nội địa câu kết với các đối tượng ở khu vực biên giới, đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài hình thành các đường dây khép kín dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân đưa ra nước ngoài hoặc trong nước nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn và cho, nhận con nuôi trái pháp luật...

Mới đây, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng) và Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) đã tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện Kế hoạch số 1326/KHPH-CCSHS-CPCMT&TP về phối hợp phòng, chống tội phạm mua bán người.

Báo cáo sơ kết cho thấy, hai lực lượng đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện và có chiều sâu Kế hoạch phối hợp phòng, chống tội phạm mua bán người, nhất là tại các địa bàn, tuyến trọng điểm. Các đơn vị đã trao đổi hàng trăm thông tin liên quan đến tình hình, điều tra, xử lý tội phạm mua bán người liên quan đến địa bàn quản lý và chức năng, nhiệm vụ của hai lực lượng, giúp các đơn vị triệt phá thành công hàng chục chuyên án, vụ án. Các đơn vị Công an, Bộ đội Biên phòng các tỉnh biên giới đã thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin, tình hình với lực lượng chức năng các nước đối đẳng trong công tác điều tra, xác minh, giải cứu nạn nhân bị mua bán và bắt giữ các đối tượng phạm tội.

Từ tháng 6 năm 2022 đến nay, các đơn vị Công an, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp đấu tranh hàng chục chuyên án, phát hiện, điều tra, xử lý 65 vụ với 81 đối tượng, xác định 105 nạn nhân; đang điều tra, xác minh 57 vụ với 86 đối tượng nghi vấn mua bán 164 người. Đặc biệt, từ tháng 7 đến tháng 9/2022, các đơn vị Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, điều tra 24 vụ với 17 đối tượng, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ 52 nạn nhân (tăng 13 vụ, 4 đối tượng và 30 nạn nhân so với cao điểm năm 2021).

PV

Xem thêm