Pháp luật

Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV khu vực miền Nam

Tây Ninh

Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, nâng cao kiến thức pháp luật.

Các đội thi tham gia trả lời câu hỏi. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)

T TTXVN - Ngày 12/10, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh tổ chức khai mạc Hội thi Hòa giải viên cơ sở giỏi toàn quốc lần thứ IV khu vực miền Nam.

Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; bà Nguyễn Đài Thy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh; ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng lãnh đạo Sở Tư pháp của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Khai mạc Hội thi, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng Ban Tổ chức cho biết, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh, để đề cao công tác dân vận, tăng cường giáo dục và tuyên truyền pháp luật cho nhân dân, vận động quần chúng hòa giải ngay từ cơ sở, nhằm giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn, với phương châm xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử lại càng tốt hơn. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của công tác hòa giải ở cơ sở.

Qua công tác thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 cho thấy, những địa phương làm tốt công tác hòa giải, tình hình an ninh trật tự được giữ vững, số vụ việc phạm pháp hình sự giảm. Đây không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả, triệt tiêu “mầm mống” dẫn đến tội phạm và những bất ổn xã hội mà còn là phương thức an dân, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước; góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ông Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, để những giá trị tốt đẹp của hòa giải ở cơ sở thực sự đi vào cuộc sống, có sự góp phần, cố gắng nỗ lực của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên. Đây còn là dịp để biểu dương, tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở và hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023.

Ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến pháp luật tỉnh Tây Ninh cho biết, công tác hòa giải ở cơ sở là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả trong việc hàn gắn những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội ở địa phương. Tây Ninh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác hòa giải cơ sở. Qua 10 năm thi hành luật hòa giải cơ sở, tỷ lệ hòa giải thành công đạt 84%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã thụ lý 200 vụ, số vụ hòa giải thành là 186 vụ, đạt 93%. Tỉnh Tây Ninh rất vinh dự được chọn để tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV khu vực miền Nam.

Tham gia Hội thi có 20 đội thuộc các tỉnh, thành phố: Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Thí sinh dự thi là hòa giải viên được công nhận theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, đã đạt giải cao tại Hội thi hòa giải viên giỏi của các tỉnh, thành phố hoặc là hòa giải viên xuất sắc, tiêu biểu được lựa chọn đại diện cho địa phương. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chọn một đội thi gồm ba thành viên chính thức, một thành viên dự bị. Các đội tham gia những phần thi gồm: Giới thiệu, lý thuyết, hòa giải, tiểu phẩm.

Nội dung thi tập trung vào các kỹ năng của hòa giải viên, pháp luật về hòa giải ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013, quy định pháp luật trong một số lĩnh vực liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở.

Hội thi diễn ra trong hai ngày 12-13/10./.

Minh Phú

Xem thêm