Văn hóa

Cần tạo sức sống cho Văn hóa Sa Huỳnh

Quảng Ngãi

Là một trong ba trung tâm văn hóa quan trọng nhất trong thời đại kim khí Việt Nam, di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh vừa được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

TTXVN - Di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vinh dự, tự hào của chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi. Tuy nhiên, di tích này hiện vẫn chưa được các cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị.

Ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1649/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có Di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh. Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh gồm 5 địa điểm: Di tích Long Thạnh, Di tích Phú Khương, Di tích Thạnh Đức, Di tích đầm An Khê - lạch An Khê và Quần thể di tích ChămPa.

Các hiện vật của bộ sưu tập thuộc Văn hoá Sa Huỳnh. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ học người Pháp M. Vinet phát hiện năm 1909, tại Sa Huỳnh Quảng Ngãi và được lấy tên địa danh Sa Huỳnh đặt tên cho nền văn hóa khảo cổ này là “Văn hóa Sa Huỳnh”. Di tích khảo cổ học Văn hóa Sa Huỳnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1997. Di tích được phân bố chủ yếu ở Long Thạnh, Thạnh Đức (phường Phổ Thạnh) và Phú Khương (xã Phổ Khánh).

Từ khu mộ chum Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ học người Pháp qua các đợt khai quật đã liên tục phát hiện các dấu vết của một nền văn hóa thời tiền sử, tìm thấy khoảng 500 mộ chum có chứa nhiều loại đồ tùy táng phân bố dọc các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Quảng Ngãi được xem là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh với 26 di tích được khai quật trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu.

Một số đồ gốm trên một ngôi mộ Chum. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Ngoài ra, các hiện vật văn hóa Sa Huỳnh còn được tìm thấy nhiều nơi trên thế giới chứng tỏ cư dân Sa Huỳnh từ ngàn xưa đã có trình độ kỹ thuật cao về các dụng cụ lao động và giao lưu rộng rãi với các cư dân khu vực Đông Nam Á, rộng hơn là Ấn Độ, Trung Hoa. Những hiện vật đó có giá trị rất lớn và được các nhà khoa học, khảo cổ học đánh giá rất cao, sự hiện diện của nền văn hóa cổ này tại Quảng Ngãi thật sự là một thế mạnh không phải nơi nào cũng có.

Văn hóa Sa Huỳnh được ghi nhận là một trong ba trung tâm văn hóa quan trọng nhất trong thời đại kim khí Việt Nam. Nền văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba cái nôi cổ xưa của nền văn minh trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo.

Sa Huỳnh gần như là nơi duy nhất còn giữ lại được không gian sinh tồn của người cổ Sa Huỳnh, từ môi trường sinh thái, địa lý nhân văn, địa chất địa mạo… Đây là nguồn tài nguyên quý hiếm, là “bảo tàng sống” cho công tác nghiên cứu và phát triển du lịch bền vững.

Tuy nhiên nền văn hóa cổ mang tầm cỡ thế giới với nhiều hiện vật nằm giữa một không gian mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử như Sa Huỳnh hiện vẫn chưa được các cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị. Cụ thể, nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh – nơi trưng bày các hiện vật được tìm thấy cho khách du lịch đến tham quan nhưng từ khi đi vào hoạt động vào năm 2017 đến nay, khu bảo tồn di tích này chưa phát huy giá trị một cách xứng tầm; địa hình nhiều nơi nằm gần cồn cát ven biển đường xá đi lại rất khó khăn; cuộc sống của người dân còn thiếu thốn, chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản và làm muối.

Bên cạnh đó, các chủ trương chỉ mới chú trọng đến công tác bảo tồn là chính, chưa quan tâm nhiều đến phát huy giá trị Văn hóa Sa Huỳnh; việc đầu tư chưa đồng bộ, kết nối còn thiếu nên giá trị Văn hóa Sa Huỳnh vẫn còn ít người biết đến.

Để di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh phát huy thế mạnh về tài nguyên di sản văn hóa, trong đó lấy du lịch di sản là hướng trọng tâm có tính chất chìa khóa hướng tới mục tiêu phát triển du lịch; Nhà nghiên cứu văn hóa Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ cho rằng, cơ quan chức năng cần phục dựng lại các loại hình lễ hội, các hình thức diễn xướng trên đầm An Khê, như lễ hội đua thuyền, nghi lễ múa Lỗ Lường, hội hoa đăng, hát bài chòi, hát bội, hát hò hát hố và trùng tu các di tích. Qua đó, bảo tồn các loại hình văn hoá, trong đó có văn hoá dân gian của cư dân nơi đây, góp phần phát triển du lịch của địa phương

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bùi Văn Tiến cho hay: trước mắt, ngành văn hóa sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. Đây là cơ hội để tăng cường công tác tuyên truyền về tầm vóc, sức hút của di tích này. Đồng thời, tập trung thực hiện các công tác khai quật khảo cổ, bảo tồn tại chỗ để phát huy; nâng cấp, xây dựng Nhà văn hóa Sa Huỳnh thành Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh để thu hút du khách, phát triển du lịch; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong không gian di tích văn hóa Sa Huỳnh. Tất cả với mục đích tạo sức sống mới để Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh trở thành điểm du lịch di sản hấp dẫn thu hút du khách trong thời gian tới.

"Trong thời kỳ mới, việc đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn là rất quan trọng khi đất nước đứng trước nhiều thách thức lớn, chúng ta cần phải bảo tồn và phát triển du lịch bằng những giá trị văn hóa mang bản sắc riêng và dựa vào cộng đồng dân cư địa phương để phát triển. Do đó, ngành văn hóa sẽ có kế hoạch cụ thể để tuyên truyền giúp người dân địa phương hiểu được giá trị của các di sản và có ý thức bảo vệ di sản và không gian văn hóa Sa Huỳnh, bởi người dân chính là những di sản “sống” và chính họ là những nhân tố để giữ gìn không gian Văn hóa Sa Huỳnh một cách đúng nghĩa”, ông Tiến nhấn mạnh./.

Đinh Hương

Tin liên quan

Xem thêm