Quốc hội với Cử tri

Cần Thơ đẩy nhanh tiến độ dự án điện khí Lô B - Ô Môn

Cần Thơ

Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030, Trung tâm Điện lực Ô Môn được quy hoạch gồm 4 nhà máy nhiệt điện: I, II, III, IV, với tổng công suất 3.810 MW, sử dụng nhiên liệu khí từ mỏ khí lô B

TTXVN - Chiều 8/3, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã làm việc với UBND thành phố về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn.

Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1. (Ảnh: TTXVN)

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố có 2 dự án điện chạy dầu gồm Nhiệt điện Cần Thơ và Nhiệt điện Ô Môn 1 với tổng công suất lắp đặt 848 MW. Ngoài ra, địa phương có một nhà máy xử lý chất thải rắn (rác thải sinh hoạt) công suất 7,5 MW đang hoạt động hiệu quả. Giai đoạn 2016-2021, sản lượng điện sản xuất của hai nhà máy nhiệt điện do Công ty Nhiệt điện Cần Thơ quản lý và một nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) là 2.868 kW/năm.

Theo đánh giá về khả năng cung cấp năng lượng (than, điện, dầu khí, năng lượng tái tạo) đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong giai đoạn 2016-2021 và giai đoạn 2021-2025, đối với xăng dầu, hiện Cần Thơ có 4 kho đầu mối xăng dầu với tổng sức chứa 192.000 m3; 313 cửa hàng xăng dầu, tổng lượng tiêu thụ xăng dầu bình quân trên địa bàn khoảng 1.120 m3/ngày.

Tại buổi làm việc, UBND thành phố Cần Thơ kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm nghiên cứu, thể chế hóa nội dung về khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý của các cơ quan nhà nước; sớm ban hành hướng dẫn nhằm tháo gỡ vướng mắc để các nhà đầu tư được đấu nối các hệ thống điện mặt trời mái nhà, đặc biệt là hệ thống điện mặt trời mái nhà tự dùng; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần trong chuỗi dự án điện - khí Lô B (dự án trọng điểm quốc gia) thông qua việc tháo gỡ các vướng mắc và sớm thi công xây dựng các Nhà máy nhiệt điện II, III, IV tại Trung tâm Điện lực Ô Môn.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030, Trung tâm Điện lực Ô Môn được quy hoạch gồm 4 nhà máy nhiệt điện: I, II, III, IV, với tổng công suất 3.810 MW, sử dụng nhiên liệu khí từ mỏ khí lô B. Đến nay, trừ Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I đã đi vào vận hành từ năm 2015, ba nhà máy còn lại với tổng vốn đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng vẫn chưa triển khai xây dựng.

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố Cần Thơ kiến nghị cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ vướng mắc để các nhà đầu tư được đấu nối các hệ thống điện mặt trời mái nhà, đặc biệt là hệ thống điện mặt trời mái nhà tự dùng, nhằm cung cấp năng lượng ngay tại chỗ, góp phần giảm áp lực lên hệ thống truyền tải; đồng thời thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26 về biến đổi khí hậu.

Đối với điện mặt trời áp mái, khó khăn hiện nay là cơ sở pháp lý chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, cũng như các quy định, hướng dẫn về đầu tư hệ thống điện mặt trời tự sử dụng, tiêu chuẩn các tấm pin,...; cơ chế khuyến khích về giá theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg cũng đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020. Vì vậy, thời gian tới, Chính phủ  cần có định hướng kịp thời và lâu dài về việc cho phép đầu tư nguồn điện năng lượng tái tạo tự sử dụng để việc phát triển nguồn năng lượng tự cung, tự cấp có hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Tại buổi giám sát, ông Đào Chí Nghĩa, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ cho biết, Đoàn giám sát làm việc với UBND thành phố để kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, nhất là điểm nghẽn tại dự án điện khí Lô B - Ô Môn, dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn thành phố.

Theo ông Đào Chí Nghĩa, nhiệm kỳ này, thành phố đang tập trung cho chuỗi điện khí Ô Môn, do đó các vấn đề phát sinh, vướng mắc, thành phố cần kiến nghị để Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố báo cáo, trao đổi tại Quốc hội, tìm biện pháp tháo gỡ nhằm đưa dự án sớm vận hành. Dự án điện khí Lô B-Ô Môn có quy mô lớn, khi đi vào hoạt động sẽ là cú hích tạo động lực để thành phố phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đề nghị UBND thành phố sớm có giải pháp xử lý tình trạng rác thải tồn đọng trên địa bàn; khẩn trương xử lý tình trạng nước thải rò rỉ tại các bãi rác trên địa bàn thành phố, xem xét quy hoạch thêm các nhà máy xử lý rác; quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng tại các kho xăng dầu và các bãi rác để đảm bảo công tác vận chuyển; quan tâm vấn đề an ninh năng lượng, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng./.


Thanh Liêm

Xem thêm