Sơn La được đánh giá là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, điện mặt trời
TTXVN - Ngày 7 - 8/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh.
Đoàn đã giám sát, khảo sát thực tế việc tổ chức thực hiện các hoạt động năng lượng tại hai huyện Phù Yên và Bắc Yên.
Huyện Phù Yên hiện có 8 dự án công trình, nhà máy thủy điện nhỏ; trong đó, 3 nhà máy thủy điện đã đưa vào khai thác, vận hành với tổng công suất 44,4 MW và 5 công trình thủy điện đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư, triển khai xây dựng. Ngoài ra, huyện còn có 11 dự án điện mặt trời áp mái nhà với tổng công suất 281 kWp.
Huyện Bắc Yên có 13 công trình, nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất 220,5 MW; trong đó, 12 công trình đã đưa vào vận hành, khai thác, bình quân hàng năm đóng góp vào lưới điện quốc gia khoảng hơn 500 triệu kWh.
Trước thực tế của công tác quản lý, giám sát chính sách về năng lượng, đại diện các địa phương đã có nhiều kiến nghị để quá trình thực hiện đảm bảo hiệu quả, tránh tác động xấu đến dân cư, môi trường.
Chủ tịch UBND huyện Phù Yên Đặng Quang Hưng kiến nghị, các sở, ngành liên quan của tỉnh cần rà soát quy hoạch thủy điện trên địa bàn huyện, loại ra khỏi quy hoạch dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế, ảnh hưởng lớn đến dân cư, tác động xấu đến môi trường và có chiếm dụng rừng tự nhiên. Các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng cần tạm dừng; chỉ triển khai sau khi có kết quả đánh giá đảm bảo không tác động lớn, tiêu cực đến môi trường, không ảnh hưởng lớn đến dân cư và đảm bảo sự đồng thuận của cộng đồng.
Sơn La được đánh giá là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, điện mặt trời. Giai đoạn 2016 -2021, tỉnh đã phát triển thêm 22 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 142MW, nâng tổng công suất các nhà máy thủy điện lên hơn 4.000MW. Tỉnh đã trình Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch 21 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất trên 220MW. Các nhà máy thủy điện có sản lượng trung bình năm khoảng 12.000 -15.000 triệu kWh. Trong đó, khoảng 94% lượng điện sản xuất ra được cung cấp cho hệ thống điện quốc gia thông qua các đường dây truyền tải, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Đối với điện gió, Sơn La đã chấp thuận cho 13 nhà đầu tư nghiên cứu, đánh giá lập hồ sơ quy hoạch các dự án với tổng công suất khoảng 2.000MW. Tuy nhiên, theo báo cáo của đại diện các sở, ngành của tỉnh Sơn La, quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La Phạm Thị Doan đề nghị Đoàn giám sát kiến nghị với Chính phủ sớm hoàn thiện, phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, để làm căn cứ cho các địa phương thu hút đầu tư các dự án năng lượng. Đoàn kiến nghị các bộ, ngành nghiên cứu phân cấp cho địa phương cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án năng lượng tái tạo quy mô nhỏ (dưới 20MW); kiến nghị Bộ Công Thương xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng năng lượng trong các ngành, lĩnh vực có mức tiêu thụ năng lượng cao như thép, hóa chất, dệt may, da giày.
Tại chương trình giám sát, bà Hoàng Thị Đôi, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát đề nghị các sở, ngành tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa các định hướng, quy hoạch, chính sách phát triển năng lượng của Trung ương đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời, các đơn vị hoàn thiện phương án phát triển năng lượng trên địa bàn, cập nhật đầy đủ vào quy hoạch chung tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, đảm bảo hiệu quả, bền vững, ít ảnh hưởng đến môi trường, dân sinh, xã hội, tập trung phát triển năng lượng tái tạo; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các dự án năng lượng.
Đối với ý kiến, kiến nghị của các huyện, sở, ngành, Đoàn sẽ tổng hợp, xem xét trình Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, để có giải pháp tháo gỡ, góp phần điều chỉnh, nâng cao chất lượng, hoàn thiện việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trong giai đoạn tiếp theo./.