Du lịch

Cập nhật nhanh tình hình thời tiết, điều chỉnh sản phẩm du lịch phù hợp theo mùa

Các địa phương chủ động theo dõi tình hình, diễn biến của bão; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trên địa bàn để rà soát, kiểm tra toàn bộ cơ sở lưu trú du lịch, các khu, điểm du lịch.

Trên khu vực Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), du thuyền là hình thức du lịch phổ biến. 
Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Sáng 22/7, bão số 3 đã tiến sát bờ, gây gió giật mạnh cấp 12 tại nhiều khu vực ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ như Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cửa Ông, Bãi Cháy… Dự báo trong 12-24 giờ tới, bão tiếp tục ảnh hưởng đến vùng biển và đất liền với nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra công điện về việc tập trung ứng phó với bão số 3 gửi đến lãnh đạo các cơ quan quản lý văn hóa, thể thao, du lịch các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội...

Công điện yêu cầu các địa phương chủ động theo dõi tình hình, diễn biến của bão; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trên địa bàn để rà soát, kiểm tra toàn bộ cơ sở lưu trú du lịch, các khu, điểm du lịch, đặc biệt là các khu vực ven biển, đảo, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét.

Để ứng phó với bão số 3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các địa phương cần phối hợp tổ chức tuyên truyền và di dời, sơ tán khách du lịch đến nơi an toàn; kiểm đếm, thông tin, hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện hoạt động du lịch trên biển không đi vào hoặc nhanh chóng thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, hoặc trở về nơi tránh trú an toàn; xây dựng phương án ứng phó bão lụt cụ thể, triển khai các biện pháp sơ tán, tránh trú, bảo đảm an toàn cho khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.

Theo chỉ đạo của Cảng vụ đường thủy và Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, các phương tiện vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long và các phương tiện vận chuyển khách đi các tuyến đảo, giữa các đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ không được cấp phép rời bến, cảng. Các phương tiện về đất liền trả khách vẫn tiếp tục được cấp phép.

Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, Cảng vụ đường thủy và Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa yêu cầu các đại diện trực thuộc tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, thông báo tới các chủ cảng, bến, chủ phương tiện, thuyền trưởng để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn, không lơ là, chủ quan trước ảnh hưởng của bão.

Tại Quảng Ninh, các đại lý bán vé tàu đã tạm dừng xuất bến, khách mua vé tàu trước đã được thông báo chuyển ngày tham quan vịnh, chờ khi bão tan.

“100% các tour khách nội địa có chương trình tham quan vịnh Hạ Long và các đảo đều phải hủy, chấp nhận hoàn tiền theo hợp đồng. Những đoàn khách nước ngoài thì chuyển đổi lịch trình các tuyến điểm trên vịnh đảo sang đất liền để đảm bảo an toàn. Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, dông bão, các công ty du lịch bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Vũ Chưởng Phó Tổng Công ty cổ phần Du lịch quốc tế Hạ Long chia sẻ.

Trước đó, chiều 19/7, vụ lật tàu du lịch QN 48-7105 do bất ngờ gặp cơn dông lốc lớn, sóng to, cướp đi tính mạng của 35 người, 4 người vẫn mất tích. Nguyên nhân của cơn dông lốc là do dải hội tụ nhiệt đới kết hợp nhiệt độ tăng cao trong 3 ngày trước đó.

Ngay sau vụ lật tầu, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo điều tra, khắc phục hậu quả và rà soát lại toàn bộ quy trình đảm bảo an toàn hàng hải trong hoạt động du lịch. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng tổ chức đoàn công tác do Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu dẫn đầu đến Hạ Long để thăm hỏi, chia sẻ với gia đình các nạn nhân vụ lật tàu, đồng thời làm việc trực tiếp với địa phương về công tác đảm bảo an toàn trong vận hành tour tuyến.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng đã chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền hình, cổng thông tin địa phương tăng cường phát sóng các bản tin cảnh báo bão, phổ biến kỹ năng phòng tránh tai nạn, sạt lở đất, đồng thời không để lọt các tin giả, tin chưa kiểm chứng gây hoang mang trong du khách và người dân

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ 22-23/7, vùng đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục có mưa to đến rất to, nhiều nơi có khả năng mưa cường suất lớn gây ngập úng, lũ quét và sạt lở.

Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết với ngành du lịch trong việc cập nhật nhanh tình hình thời tiết, chủ động ứng phó và điều chỉnh sản phẩm phù hợp theo mùa. Những tour biển – đảo cần đi kèm phương án B như du lịch trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, nghỉ dưỡng nội đô… nhằm giảm thiểu rủi ro và tổn thất khi gặp thời tiết xấu./.

Ngọc Bích

Tin liên quan

Xem thêm