Xã hội

Chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam ngày càng hiệu quả và bền vững

Từ khi thành lập đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vận động được gần 3.950 tỷ đồng; chi gần 3.720 tỷ đồng để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam và gia đình bằng nhiều hoạt động thiết thực.

Tặng quà nạn nhân chất độc da cam/dioxin có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. (Ảnh minh họa: Thùy Dung/TTXVN)

TTXVN - Ngày 21/7, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã gặp mặt báo chí thông tin về triển khai "Tháng Hành động vì nạn nhân chất độc da cam" và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2023-2028.

Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Khanh cho biết, năm 2023, nhân kỷ niệm 62 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961- 10/8/2023) và hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2023-2028; được sự đồng ý của Ban Dân vận Trung ương, Trung ương Hội sẽ tổ chức triển khai "Tháng Hành động vì nạn nhân chất độc da cam" từ ngày 1-31/8.

"Tháng Hành động vì nạn nhân chất độc da cam" được triển khai nhằm đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về thảm họa da cam, hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam; những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Quân đội, các cấp, các ngành, địa phương trong khắc phục hậu quả, từ đó tạo sự đồng thuận, sẻ chia, chung tay của toàn xã hội để "xoa dịu nỗi đau da cam". Đồng thời tăng cường sự hỗ trợ nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam.

Trong "Tháng Hành động vì nạn nhân chất độc da cam", Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội phấn đấu vận động đạt khoảng 500 tỷ đồng để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Trong đó, mỗi tỉnh, thành hội vận động tặng hai căn nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà cho 5 gia đình nạn nhân trở lên; tổ chức khám chữa bệnh cho 10.000 – 15.000 nạn nhân (mỗi tỉnh, thành Hội 200 đến 300 nạn nhân); hỗ trợ sinh kế cho 700 đến 1.000 gia đình (mỗi tỉnh 10 - 15 gia đình), tặng bò, công cụ sản xuất cho gia đình nạn nhân; hỗ trợ khoảng 2.000 suất học bổng.

Lễ phát động "Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam" ở Trung ương dự kiến được tổ chức vào tối 1/8 và truyền hình trực tiếp trên Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.

Thông tin về Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2023-2028, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Khanh cho biết, Đại hội dự kiến được tổ chức trong hai ngày 6-7/12/2023 tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của hơn 300 đại biểu.

Với chủ đề "Tích cực đổi mới, đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm, hướng về nạn nhân, xây dựng Hội vững mạnh; hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao", Đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018-2023, rút ra những bài học kinh nghiệm; xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm kỳ 2023-2028; bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra của Trung ương Hội, nhiệm kỳ mới.

Ông Nguyễn Văn Khanh cũng cho biết, năm 2024, Hội sẽ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (10/1/2004 - 10/1/2024). Đây là dịp để các cán bộ Hội cùng nhìn lại những mốc son trong 20 năm qua, những nỗ lực Hội đã phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Trải qua gần 20 năm xây dựng và hoạt động, đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam có tổ chức ở Trung ương và hội thành viên ở 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hơn 610 hội cấp quận, huyện và gần 6.630 hội cấp xã, phường, cùng hàng ngàn chi hội ở thôn bản, tổ dân phố, với tổng số hơn 400.000 hội viên.

Từ khi thành lập đến nay, toàn Hội đã vận động được gần 3.950 tỷ đồng; chi gần 3.720 tỷ đồng để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân bằng nhiều hoạt động thiết thực như: Xây dựng các trung tâm bảo trợ xã hội, xông hơi giải độc; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà; tặng quà, trợ cấp khó khăn; hỗ trợ học bổng, dạy nghề, tìm việc làm, khám chữa bệnh... Việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân ngày càng hiệu quả và mang tính bền vững.

Thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào vì nạn nhân chất độc da cam nhằm tăng cường vận động nguồn lực trong nước và quốc tế để nâng cao hiệu quả hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Hội phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất, hoàn thiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nạn nhân./.

M.H

Xem thêm