Người dân nơi đây đã biến món quà quý này thành sản phẩm chủ lực để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Những cây chè Shan tuyết trên dãy núi Phàn Liên San là món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Mồ Sì San. Theo chân bà con đồng bào người Dao ở Mồ Sì San lên núi hái chè Shan tuyết mới thấy sự hùng vĩ của dãy Phàn Liên San. Những cây chè Shan tuyết ở đây thân cây cao lớn, có khi đến 30m. Để lên được đến đây, bà con phải đi bộ hơn 3 tiếng đồng hồ từ bản.
Những cây chè mọc tự nhiên trên rừng, phủ đầy rêu phong, địa y nhưng vẫn cho lá to, dày, búp mập. Để hái được loại chè này, bà con phải ở lại trong rừng vài ngày, trèo lên những thân cây cao để hái chè. Khi hái chè, cần hái loại búp 1 tôm 1 lá, 1 tôm 2 lá để đúng với tiêu chuẩn làm chè của hợp tác xã.
Mồ Sì San là một trong các vùng của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu được thiên nhiên ban tặng cho cây chè Shan tuyết cổ thụ . Người dân nơi đây đã biến món quà quý này thành sản phẩm chủ lực để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Nhận thấy lợi thế phát triển kinh tế từ những cây chè Shan tuyết cổ thụ, năm 2019, xã Mồ Sì San đã thành lập Hợp tác xã Biên Cương để thu mua, chế biến búp chè cổ thụ tươi bằng máy móc hiện đại thành những sản phẩm trà nổi tiếng thơm ngon và đem lại giá trị kinh tế cao. Từ đây, thương hiệu trà cổ thụ Mồ Sì San ra đời với những loại sản phẩm như: Bạch trà, Hồng trà, Hoàng trà và trà xanh.
Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San Tẩn Chin Lùng cho hay, hiện xã có 1.700 gốc chè Shan tuyết cổ thụ. Để có chất lượng trà như hiện nay, địa phương đã hướng dẫn bà con thu hái đúng kỹ thuật. Công tác bảo tồn và phát huy giống chè đặc sản này cũng luôn được chính quyền và người dân quan tâm, không khai thác ồ ạt. Ngoài ra, xã mở các lớp tập huấn nhân giống, trồng mới và bảo tồn vùng chè theo hướng an toàn, bền vững.
Mỗi năm, sản lượng chè Shan tuyết cổ thụ của xã Mồ Sì San đạt khoảng 1,5 tấn khô. Hiện, giá bán các loại trà từ 2-3 triệu đồng/kg. Doanh thu từ các sản phẩm chè đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho nhiều hộ đồng bào trong xã.
Ông Tẩn A Hạng (bản Tân Séo Phìn, xã Mồ Sì San) cho biết, ngày xưa bà con đi rừng toàn hái loại chè này uống thấy ngon, thơm nên lấy về nhà uống. Giờ có thu nhập khi hái về bán cho hợp tác xã để chế biến thành trà Shan tuyết.
Còn tại xã Hoang Thèn có khoảng hơn 600 cây chè Shan tuyết cổ thụ tập trung ở hai bản Tả Lèng và Xin Chải. Ông Tẩn Văn Tại, Phó Chủ tịch xã Hoàng Thèn cho biết, hai bản này có độ cao hơn 1.000 m, khí hậu mát mẻ nên rất thích hợp cho cây trà Shan tuyết phát triển. Xác định đây là cây trồng giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, từ năm 2021, xã đã trồng được 22 ha giống chè cổ thụ để bà con chăm sóc. Đến nay, diện tích chè này phát triển tốt. Hợp tác xã Xin Chải của xã cũng được thành lập để phát triển thương hiệu riêng của trà cổ thụ Hoang Thèn.
Không chỉ có Mồ Sì San, Hoang Thè, nhiều xã khác của huyện Phong Thổ như Sì Lở Lầu, Pa Vây Sử, Tung Qua Lìn và Dào San cũng đang nỗ lực biến những lợi thế từ cây trà Shan tuyết cổ thụ thành sản phẩm trà cao cấp để đưa đến người tiêu dùng. Để làm được điều này, công tác bảo tồn, phát triển các giống chè quý này cần được nhân rộng. Bên cạnh đó, các sản phẩm từ chè Shan tuyết phải có tiêu chuẩn cao, khác biệt về chất lượng.
Hiện mỗi năm, sản lượng chè Shan tuyết của huyện Phong Thổ mới chỉ đạt 2-3 tấn khô. Sản lượng này vẫn là quá ít so với tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng khi có nhiều vùng chè cổ thụ mọc tự nhiên ở các xã vùng cao.
Theo ông Vũ Hữu Lưỡng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ, toàn huyện có khoảng 8.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ. Đến thời điểm hiện tại, huyện đã trồng mới được hơn 22 ha giống cây chè cổ thụ trên địa bàn xã Hoang Thèn.
Huyện Phong Thổ xác định chè Shan tuyết cổ thụ là cây trồng giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo nên đã ban hành đề án “Bảo tồn và phát triển vùng chè cổ thụ trên địa bàn huyện Phong Thổ”. Dự kiến giai đoạn 2021-2025, Phong Thổ sẽ trồng mới bổ sung 120 ha chè ở các xã Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Pa Vây Sử, Hoang Thèn, Tung Qua Lìn và Dào San.
Để khai thác tiềm năng và nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm trà cổ thụ, huyện cũng cần xây dựng được những thương hiệu, sản phẩm trà cổ thụ đặc trưng, chất lượng cao thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Các địa phương tuyên truyền, vận động bà con nhân dân vừa thu hoạch vừa có ý thức bảo vệ, không khai thác quá mức làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây chè./.