Để đảm bảo an toàn trong lao động, doanh nghiệp cần tăng cường phổ biến pháp luật an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện giải pháp kỹ thuật an toàn; tập huấn công tác tự kiểm tra an toàn; chủ động phòng ngừa không để xảy ra tai nạn lao động.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 9 tháng năm 2024, trên địa bàn xảy ra 52 vụ tai nạn lao động chết người, làm 54 người tử vong, 5 người bị thương; nhiều hơn số vụ tai nạn lao động chết người so với cùng kỳ năm 2023.
Thống kê cho thấy, tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ tai nạn lao động chết người với 63,4%; tiếp theo là tai nạn lao động trong sản xuất công nghiệp chiếm 11,5% và tai nạn lao động ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, vận tải chiếm 25%.
Qua phân tích các vụ tai nạn lao động, ông Nguyễn Thành Lâm, Chánh Thanh tra, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, do đặc thù của ngành Xây dựng là công việc người lao động và thiết bị luôn di động, chịu ảnh hưởng của yếu tố khí hậu, thời tiết (nhất là về mùa mưa) và có nhiều mối nguy cơ tiềm ẩn khó phát hiện để phòng ngừa. Các mối nguy cơ tiềm ẩn này thay đổi theo tiến độ công trình, luôn phát sinh và tăng mức độ nguy hiểm cao hơn theo quy mô, chiều cao, độ sâu của công trình trong khi phần lớn lao động ngành Xây dựng là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, ý thức về an toàn lao động chưa cao.
Số vụ tai nạn lao động xảy ra trong công trình xây dựng nhà dân nhiều hơn so với trong công trình xây dựng nhà cao tầng, nhà xưởng, công trình xây dựng giao thông cầu đường. Nguyên nhân chủ yếu là có nhiều công trình xây dựng nhà dân, khu vực mà chủ đầu tư, nhà thầu thi công thường là các cá nhân, tổ đội cai thầu làm việc theo kinh nghiệm và thói quen, không hiểu biết đầy đủ quy định an toàn lao động...
Để kéo giảm số vụ, nhất là tai nạn lao động làm chết người, ông Nguyễn Thành Lâm đề nghị, các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn quan tâm tập huấn công tác an toàn, vệ sinh lao động cho lực lượng Thanh tra các cấp, Đội trật tự đô thị quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Đồng thời, các cấp, ngành tăng cường thanh, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động đối với đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhất là cơ sở có nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, ghi nhận thực trạng và đánh giá việc tuân thủ quy định pháp luật của đơn vị.
Để đảm bảo an toàn trong lao động, ông Nguyễn Thành Lâm đề nghị, doanh nghiệp tăng cường phổ biến pháp luật an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện giải pháp kỹ thuật an toàn; tập huấn công tác tự kiểm tra an toàn lao động; chủ động phòng ngừa không để xảy ra tai nạn lao động, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất công nghiệp. Người lao động chủ động học tập, nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động chính là bảo vệ cho bản thân mình, cho gia đình mình…
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố, tính từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở thực hiện 182 cuộc kiểm tra chuyên ngành về việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị, cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Qua đó, ban hành 69 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng…/.
- Từ khóa:
- TP Hồ Chí Minh
- giảm thiểu
- tai nạn lao động