Xã hội

Chi hội Nông dân tỷ phú Bình Dương - Mô hình đặc biệt hiệu quả cao

Bình Dương

Chi hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương giúp nhiều nông dân đạt được mức thu nhập tiền tỷ, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.

Một số thành viên của Chi hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương.
Ảnh: Huyền Trang - TTXVN

Bình Dương, một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, đã trở thành điểm sáng trong phát triển nông nghiệp với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đóng góp lớn vào kinh tế địa phương. Một trong những thành công nổi bật là sự ra đời của Chi hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương, nơi tập hợp những nông dân không chỉ giỏi về kỹ thuật mà còn xuất sắc trong quản lý kinh doanh. Qua những năm hoạt động, Chi hội đã giúp nhiều nông dân đạt được mức thu nhập tiền tỷ, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.

* Tổ chức của những người nông dân tài năng

Tại huyện Phú Giáo, bà Tăng Thị Hằng là một nông dân tiêu biểu, với mô hình trồng cao su và chăn nuôi tổng hợp. Bà Hằng chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ từ Hội Nông dân tỉnh và Chi hội, bà đã có cơ hội học hỏi nhiều kiến thức mới, đặc biệt là ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Bây giờ, bà có 10 ha đất, trong đó 7 ha là cao su, 3 ha còn lại bà Hằng nuôi các loài động vật hoang dã như: chim yến, thỏ, cheo, dúi… Sau khi trừ hết chi phí, thu nhập của bà đạt hơn 6 tỷ đồng mỗi năm. Sự thành công của bà Hằng không chỉ giúp phát triển kinh tế gia đình mà còn lan tỏa đến cộng đồng, khi bà sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm với những nông dân khác.

Ông Đinh Ngọc Khương, được biết đến với biệt danh “Khương gà” tại xã An Bình, huyện Phú Giáo. Khác với hình ảnh nông dân truyền thống, ông Khương đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, từ khâu chọn giống, ấp trứng đến chăm sóc gà con. Hiện tại, tổng đàn gà của ông lên đến hơn 600.000 con, với đầu ra ổn định, thu nhập hàng năm của gia đình đạt khoảng 90 tỷ đồng, lợi nhuận ròng là 5 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Chi hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương, đến nay, Chi hội đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, với tổng diện tích sản xuất của các thành viên lên đến hơn 1.000 ha cây ăn trái, 50 ha dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, tổng đàn chăn nuôi trên 1 triệu con. Tổng doanh thu hàng năm của các thành viên đạt trên 600 tỷ đồng.

Nhiều thành viên Chi hội Nông dân tỷ phú đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước khen thưởng như: Huân chương Lao động các hạng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, là điển hình tiên tiến trong phong trào Thi đua yêu nước toàn quốc. Có 90% thành viên Chi hội Nông dân tỷ phú đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, Giải thưởng Nông dân Bình Dương xuất sắc, danh hiệu Nhà Khoa học của Nhà nông.

Chi hội Nông dân tỷ phú Bình Dương được thành lập vào năm 2021, mang theo sứ mệnh xây dựng một cộng đồng nông dân tiêu biểu. Mục tiêu của Chi hội là tạo ra một môi trường giao lưu, học hỏi và hợp tác trong sản xuất nông nghiệp. Từ những ngày đầu thành lập, Chi hội đã đặt ra mục tiêu xây dựng một cộng đồng nông dân tiên phong trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất và chất lượng nông sản.

Với 46 thành viên ban đầu, đến nay Chi hội đã phát triển lên 65 thành viên, bao gồm nông dân, nhà khoa học, doanh nhân. Sự đa dạng này không chỉ giúp Chi hội là nơi giao lưu, mà còn là cầu nối giữa nông dân với các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, tạo ra các mối liên kết mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại.

* Phát triển Chi hội theo hướng bền vững

Ông Tống Văn Hướng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương cho biết, Chi hội là loại hình đặc biệt, chưa có tiền lệ ở cấp tỉnh, nhưng trực thuộc Hội cấp tỉnh, do Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bình Dương trực tiếp ra quyết định thành lập và phê duyệt quy chế hoạt động. Song song với hoạt động Chi hội cấp tỉnh, nhiều thành viên đã chủ động cùng với Ban Thường vụ hội cấp huyện vận động thành lập Chi hội ở cấp huyện. Điều này cho thấy sức lan tỏa của Chi hội ngày càng có xu hướng phát triển mở rộng.

Thời gian qua, các thành viên của Chi hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương đã tham gia học tập kinh nghiệm từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Những điển hình, mô hình sản xuất kinh doanh của các thành viên Chi hội đã trở thành động lực, làm "đầu tàu" cho nhiều hội viên nông dân, thu hút nông dân tham gia, làm cơ sở để Hội Nông dân tỉnh phát triển hội viên, trong đó có cả các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh việc thực hiện các nội dung liên kết trong phát triển sản xuất kinh doanh, Hội Nông dân tỉnh Bình Dương còn giao cho Chi hội chủ trì một số nội dung của Hội như: hội thảo các chuyên đề ứng dụng khoa học - công nghệ, xúc tiến thương mại, đối thoại với lãnh đạo, chủ trì tiếp đón và chia sẻ kinh nghiệm với nhiều tỉnh, thành phố, hay thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Chi hội đã phát huy khá tốt nhiệm vụ, góp phần san sẻ công việc của Hội Nông dân tỉnh.

Thời gian tới, Chi hội sẽ tập trung vào việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Chi hội tiếp tục hỗ trợ các thành viên trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác. Chi hội cũng đã đề ra mục tiêu phát triển thêm các mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu, tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng quy mô hoạt động sang các lĩnh vực mới như: chế biến nông sản và kinh doanh nông sản chất lượng cao.

Ông Tống Văn Hướng nhấn mạnh: “Chi hội sẽ tiếp tục đóng vai trò là cầu nối giữa nông dân và các cấp lãnh đạo, các doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nông nghiệp Bình Dương. Chúng tôi cũng sẽ chú trọng đến việc nâng cao năng lực của các thành viên, mở rộng mạng lưới hợp tác với các địa phương khác, tham gia vào các chương trình an sinh xã hội nhằm lan tỏa tinh thần đoàn kết, chia sẻ trong cộng đồng"./.

Huyền Trang

Tin liên quan

Xem thêm