Chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn hoàn thiện hồ sơ, xây dựng Công viên địa chất toàn cầu
Lạng Sơn mong muốn UNESCO quan tâm, ủng hộ tỉnh xây dựng và phát triển, hoàn thiện Hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn.
TTXVN - Ngày 23/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh và lãnh đạo Ban Chỉ đạo xây dựng Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Lạng Sơn đã có buổi làm việc với Đoàn công tác Văn phòng UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) Việt Nam do ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam làm trưởng đoàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh cho biết: Năm 2021 tỉnh Lạng Sơn đã thành lập Công viên địa chất Lạng Sơn trên phạm vi hành chính của 5 huyện (gồm Bắc Sơn, Bình Gia, Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan) với tổng diện tích 3.845,8 km2, dân số 375.656 người; tương ứng chiếm khoảng 46,3% diện tích và 48,1% dân số toàn tỉnh. Công viên địa chất Lạng Sơn được bảo tồn nguyên vẹn và khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững, tổng thể các giá trị di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa (vật thể, phi vật thể), đa dạng sinh học và được định hướng để xây dựng Hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Về tiềm năng di sản địa chất trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn, tại hang Thẩm Hai (huyện Bình Gia) các nhà khảo cổ học đã phát hiện 1 mảnh xương trán và 2 mảnh xương hàm của người Homo Spiens (Người Khôn ngoan sớm) có niên đại cách ngày nay 470.000 năm. Ngoài ra, phát hiện 9 chiếc răng người Homo Erectus (Người đứng thẳng), 1 chiếc răng người vượn khổng lồ (Gigantopithecus) tại hang Thẩm Khuyên (huyện Bình Gia); 1 mảnh xương sọ người tiền sử, 1 chiếc răng gấu tre, 1 hàm răng của người Hoiosapiens có niên đại cách ngày nay 30.000 năm tại hang Kéo Lèng; các hiện vật thuộc văn hóa Bắc Sơn (di cốt người, dấu Bắc Sơn, rìu đá…), chứng minh rằng vùng Công viên địa chất Lạng Sơn là một trong những chiếc nôi của người Việt cổ.
Công tác điều tra, khảo sát đang được mở rộng sang Trũng Na Dương, huyện Lộc Bình - một địa điểm độc đáo với hệ động thực vật khổng lồ (cá sấu, rùa, kỳ đà…), nơi được mô tả trên nhiều ấn phẩm quốc tế).
Là nơi sinh tụ của các dân tộc Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông... vùng Công viên địa chất Lạng Sơn có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, đặc biệt thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2016; Hát Then được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2019. Bên cạnh đó có nhiều lễ hội truyền thống, trong đó có 3 lễ hội được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia gồm: Lễ hội Trò Ngô (huyện Hữu Lũng), Lễ hội Ná Nhèm (huyện Bắc Sơn), Lễ hội Phài Lừa (huyện Bình Gia).
Trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn có sản phẩm du lịch địa chất tiêu biểu là leo núi thể thao, có thể hình thành nên những con đường di sản hay con đường giáo dục (huyện Chi Lăng, huyện Bắc Sơn), một số làng du lịch cộng đồng đang tồn tại và phát triển; các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như hoa hồi, na Chi Lăng, quýt, mật ong, cao khô (mỳ gạo),…
Hiện nay tỉnh Lạng Sơn đang phối hợp với đơn vị tư vấn điều tra, khảo sát, nghiên cứu bổ sung, đánh giá, xếp hạng các giá trị di sản (văn hóa, đa dạng sinh học, địa chất - địa mạo, địa văn hóa, khảo cổ học); xây dựng và thực hiện chương trình tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trong Công viên địa chất Lạng Sơn; xây dựng và triển khai chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản và Công viên địa chất Lạng Sơn; đặc biệt là tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế, tham gia các hoạt động của Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO, mời chuyên gia tư vấn quốc tế và trong nước xây dựng, đánh giá, hoàn chỉnh Hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu; triển khai các hoạt động nghiên cứu trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn.
Trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục triển khai 12 nhiệm vụ trọng tâm tại Đề án thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025, đáp ứng Tiêu chí công nhận Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn mong muốn UNESCO quan tâm, ủng hộ tỉnh Lạng Sơn trong công tác xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn, hoàn thiện Hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu và đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực khác mà tỉnh Lạng Sơn có thế mạnh như văn hóa, di sản, hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…
Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam đánh giá cao các tiềm năng trong vùng công viên địa chất Lạng Sơn và lưu ý tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát các tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO. Trong đó, làm rõ sự cần thiết, khác biệt về Công viên địa chất Lạng Sơn so với 2 công viên địa chất trong khu vực là Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng. Đồng thời, tỉnh Lạng Sơn cần xây dựng kế hoạck quản lý tổng thể, toàn diện, bền vững.
Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam khẳng định các chuyên gia UNESCO sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ để tỉnh Lạng Sơn hoàn thiện hồ sơ, xây dựng công viên địa chất toàn cầu theo đúng lộ trình đề ra.
Tại buổi làm việc hai bên đã trao đổi, đánh giá kết quả khảo sát các huyện trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn; đánh giá tiềm năng hợp tác giữa tỉnh Lạng Sơn và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam./.